Để rừng mãi xanh tươi
Môi trường - Ngày đăng : 18:01, 15/10/2020
Nhiều diện tích rừng trồng cây bạch đàn, keo trong tỉnh cần được thay thế
Rừng đã già cỗi
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 11.263 ha rừng tập trung ở TP Chí Linh và thị xã Kinh Môn. Trong đó có trên 1.543 ha rừng đặc dụng, khoảng 4.664 ha rừng phòng hộ, còn lại là rừng sản xuất. Đối với diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng của tỉnh, có 2.241 ha rừng tự nhiên, còn lại 3.966 ha rừng được trồng theo dự án 327 và dự án 661. Diện tích này được trồng từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, gồm các loại cây keo, bạch đàn trên địa hình đồi, núi đất và núi đá có đất xen kẽ. Do quá tuổi khai thác nên hiện cây keo, bạch đàn sinh trưởng, phát triển chậm, có hiện tượng cây bị rỗng ruột, dễ gãy đổ khi có gió to, tính đa dạng sinh học và khả năng bảo vệ môi trường, cảnh quan không cao.
Theo Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), những năm 1997-1998, Chính phủ có chủ trương phủ xanh đất trống, đồi núi trọc nên yêu cầu đặt ra khi đó chỉ cần bảo đảm sự xanh tươi cho đồi núi mà chưa tính đến thời gian sinh trưởng cũng như hiệu quả của các loại cây trồng. Kinh phí trồng các loại cây keo, bạch đàn thấp nên được lựa chọn trồng trên diện tích rừng này.
Cùng với cây già cỗi, không bảo đảm chất lượng, vẫn còn tình trạng rừng bị phá và khai thác trái pháp luật. Năm 2019, toàn tỉnh có 8 vụ phá rừng trái pháp luật như đào bới, san ủi, khai thác đất với diện tích gần 3.340 m2. Những năm gần đây, trong tỉnh vẫn còn xảy ra một số vụ cháy rừng. Điển hình trong 2 ngày 23 - 24.9.2019 đã xảy ra 2 vụ cháy tại TP Chí Linh, làm trên 3 ha diện tích rừng nhận khoán của người dân bị cháy, cây sém lá, táp gốc, cháy hoàn toàn phần thảm tươi bụi cây.
Sớm có biện pháp thay thế
Xác định bảo vệ rừng là nhiệm vụ chung nên tỉnh đã huy động tất cả các tổ chức, cá nhân liên quan và hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Thông qua các đợt tuyên truyền, nhận thức của người dân về bảo vệ rừng đã thay đổi rõ rệt. Ngoài bảo vệ rừng, phát hiện các vụ phá hoại rừng và báo cáo cơ quan chức năng, người dân còn trực tiếp tham gia chữa cháy rừng.
Việc quy trách nhiệm để xảy ra cháy rừng cho Chủ tịch UBND các xã, phường cũng đã phát huy tác dụng. Tại các địa phương có rừng, cơ quan chức năng đều treo biển tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp bảo vệ rừng. Vào mùa hanh khô, nắng nóng, công tác tuyên truyền về bảo vệ rừng được các cấp, các ngành chú trọng hơn. Ông Lê Văn Bàn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: "Do áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ nên số vụ cháy rừng, chặt phá, làm nhà trên đất rừng đã giảm đáng kể so với khoảng 5 năm trước".
Ngày 17.9.2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 20/2018/QĐ-UBND quy định đơn giá trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Theo đó, tổ chức, cá nhân khi được phép chuyển đổi đất rừng sang sử dụng vào mục đích khác phải có trách nhiệm trồng lại đủ số diện tích đã chuyển đổi, nếu không phải nộp tiền cho cơ quan chức năng thực hiện việc này. Giá chuyển đổi 1 ha rừng từ 71,7 - 88,8 triệu đồng. Từ đó đến nay, các doanh nghiệp, cá nhân đã nộp 1,9 tỷ đồng cho cơ quan chức năng để thực hiện nghĩa vụ trồng lại rừng.
Một khó khăn hiện nay trong phát triển rừng là thay thế diện tích rừng trồng keo, bạch đàn đã già cỗi. Theo quy định, chỉ cần trồng keo, bạch đàn 10 năm là được khai thác, nhưng hiện các loại cây này đã được trồng trên 20 năm. Chi phí để thay thế rừng cần từ 80 - 90 triệu đồng/ha, trong khi cây keo, bạch đàn giá trị không cao, khai thác không đủ bù vào chi phí nên nhiều năm chưa thay thế được. Tỉnh nên quan tâm hỗ trợ, đầu tư kinh phí thay thế diện tích rừng này bằng các loại cây có giá trị kinh tế cao như lát hoa, thông, lim xanh, sồi... Có như vậy, việc phát triển rừng trong tỉnh mới bền vững, phát huy được giá trị trong phòng hộ cũng như tạo cảnh quan sinh thái.
THANH HÀ