Xử lý nghiêm hành vi xúc phạm, bôi nhọ người khác
Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 20:36, 16/10/2020
Anh T. bức xúc vì nhiều tài khoản chia sẻ thông tin anh lừa tiền trong khi anh không làm việc đó
Hành vi đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân tùy theo mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cuối tháng 9, nhiều tài khoản Facebook đăng tải thông tin anh Đ.D.T. ở xã Hồng Phong (Ninh Giang) lừa tiền của nhiều người. Những tài khoản này còn chia sẻ bài viết trên nhiều nhóm, diễn đàn. Anh T. rất bức xúc vì anh không làm việc đó nhưng lại bị xúc phạm, thậm chí có người tìm đến tận nhà anh chửi bới, đòi tiền. Gia đình đang nhờ công an vào cuộc để minh oan, đòi lại danh dự cho anh T.
Anh T. chia sẻ, đợi tới khi mọi thứ được minh chứng thì những thông tin trên mạng xã hội không đúng sự thật đã bị chia sẻ, phát tán rất rộng. Nhiều người đã vào bình luận, nhắn tin, lan truyền thông tin không đúng sự thật, ảnh hưởng tới công việc của anh và người thân trong gia đình. Anh T. phải nhắn tin, gọi điện tới từng người yêu cầu gỡ bài viết. Nhưng anh T. không chắc chắn có thể kiểm soát hết được những bài viết thông tin không đúng sự thật về anh.
Theo luật sư Phạm Thị Dịu, Trưởng Văn phòng Luật sư Tâm Á, hiện nay tình trạng nói xấu, xúc phạm cá nhân, tổ chức trên mạng xã hội (Facebook, Zalo…) ngày càng gia tăng khiến nhiều người bức xúc, tổn thương, thậm chí gây hậu quả nghiêm trọng. Một số cá nhân, tổ chức đôi khi vì tư lợi, tư thù cá nhân hoặc vì lý do cạnh tranh không lành mạnh đã không ngần ngại sử dụng mạng xã hội như một công cụ để “hạ gục đối thủ”. Thực tế, nhiều đối tượng đã lập tài khoản ảo để nói xấu, bôi nhọ người khác, dẫn đến khó khăn trong việc xác minh, làm rõ hành vi phạm tội của người vi phạm.
Luật sư Phạm Thị Dịu cho biết ngoài tính mạng, sức khỏe thì danh dự, nhân phẩm của một cá nhân cũng được pháp luật bảo vệ. Tại khoản 1 điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Người nào xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định.
Chế tài xử phạt hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác đã được quy định ở nhiều văn bản pháp luật. Theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, mức xử phạt đối với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên mạng xã hội từ 10-20 triệu đồng. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15.4.
Nếu hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm mang tính chất nghiêm trọng thì tùy theo từng trường hợp, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại điều155 hoặc tội vu khống quy định tại điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Với sự phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay, việc tiếp cận thông tin của mọi người rất dễ dàng. Nhưng việc phân biệt thông tin tốt và xấu, chính thống và xuyên tạc phụ thuộc vào sự chọn lọc của mỗi cá nhân. Cùng với đó, cơ quan chức năng cần tăng cường xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng các diễn đàn, mạng xã hội để tung tin bịa đặt, nói xấu, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác.
NINH THÀNH