Nhọc nhằn thân phận người phụ nữ

Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 08:59, 18/10/2020

Từ thân phận người phụ nữ cửu vạn, nhà thơ Nguyễn Thị Mai đã đặt ra câu hỏi: "Bữa ngon, hiểu được mấy ai?/Chỉ cây cầu biết/ thở dài với sông".

Nguyễn Thị Mai là một trong những gương mặt thơ nữ tiêu biểu thuộc lớp nhà thơ trưởng thành sau năm 1975. Thơ chị là tiếng lòng của người phụ nữ luôn trăn trở với cuộc đời, đặc biệt nhiều bài thơ của chị viết về phụ nữ, trẻ em, gia đình với cảm xúc chân thành, đằm thắm khiến người đọc không khỏi nỗi niềm rưng rưng. Trong số đó không thể không nhắc đến bài thơ Chợ đêm Long Biên - bài thơ gợi lại hình ảnh người phụ nữ làm nghề bốc vác mưu sinh với bao nỗi nhọc nhằn, lam lũ. Tác phẩm từng đoạt giải nhì (không có giải nhất) trong cuộc thi thơ lục bát Ngàn năm thương nhớ năm 2010 do Báo Văn nghệ cùng 5 cơ quan đồng tổ chức.

Chợ đêm Long Biên được viết theo thể lục bát truyền thống gồm 20 câu thơ được chia đều ở 5 khổ, mỗi khổ như một nét phác họa đơn giản nhưng lại gợi ra ở người đọc bao nỗi cay đắng, xót xa về người phụ nữ làm nghề bốc vác hàng ở chợ đầu mối. Có thời gian cuộc sống còn khó khăn, chính tác giả cũng từng đi làm thuê nhiều việc khác nhau như vớt bè tre nứa lên bãi, đóng gạch bê tông, nấu nhựa, đẩy xe ba gác lên dốc… Phải chăng những trải nghiệm đó của tuổi trẻ giúp chị có sự đồng cảm với người phụ nữ bốc vác ở chợ đêm đầu mối lớn nhất Thủ đô?

Khổ đầu bài thơ mang tính chất tự sự, giới thiệu đặc điểm chợ Long Biên - nơi tập kết các mặt hàng nông sản phục vụ cho nhu cầu Hà Nội và các tỉnh lân cận. Với đặc thù chợ đầu mối, hoạt động về đêm là chủ yếu, những xe hàng tấp nập ra vào, cùng với đó là bao người vất vả mưu sinh. Ban đêm thông thường là thời gian nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt nhọc nhưng với những người phụ nữ trong bài thơ, công cuộc mưu sinh của họ vẫn tiếp diễn mặc mưa gió bão bùng: "Một vùng không ngủ kề ngay phố phường", họ đã quen công việc "Buôn đêm để bán sáng ngày".

Từ đặc điểm của chợ Long Biên, những khổ thơ tiếp tác giả đã khái quát ấn tượng về hình ảnh người phụ nữ bốc vác - nhân vật chính của chợ. Bất chấp thời gian, thời tiết, chợ vẫn hoạt động bình thường với rất nhiều phụ nữ làm nghề bốc vác, gánh gồng các mặt hàng rau quả, một công việc vốn nặng nhọc thường dành cho đàn ông: "Chợ đêm dù bão dù mưa/Vẫn đông người vợ, vẫn thưa người chồng/Chuyển khuân, bốc dỡ, gánh gồng/Nón che kín mặt kiếm đồng sinh nhai".

Nỗi lam lũ, vất vả hiện ra qua những chi tiết đời thường chân thực của người lao động. Không màu mè, tô điểm, người phụ nữ chợ đêm hiện ra với những nét bề bộn của cuộc đời: "Nữ nhi cửu vạn đêm dài/Vác khiêng hùng hục, sụn vai vẹo người/Giữ lành quả ngọt, rau tươi/Chị tay đen đúa, em cười nhọ nhem". Cặp từ láy "đen đúa, nhọ nhem" nói lên tận cùng sự lam lũ, vất vả của người phụ nữ khuân vác, xếp dỡ rau quả- một công việc còn đòi hỏi cả sự khéo léo để rau quả không bị dập nát.

Dù vất vả như vậy nhưng đồng công kiếm được chẳng đáng là bao, phần lớn những người phụ nữ đó đều ở nông thôn, họ tranh thủ lúc nông nhàn bỏ lại gia đình ra chợ kiếm việc. Đồng công vốn ít ỏi nhưng lại phải chia sẻ nhiều phần để đảm đương cuộc sống: "Mồ hôi, sương muối ố hoen/Buốt lưng cửu vạn đã quen với nghề/Đồng công năm bảy sẻ chia/Nẻo cơm quán trọ, nẻo về nuôi con". Dù mưa gió, giá rét chợ vẫn diễn ra nhộn nhịp, đã bao lần trăng tròn, trăng khuyết họ vẫn không nề hà "khiêng sương vác gió" đến mòn cả hai vai. Tôi chợt nhớ đến câu thơ của Đại thi hào Nguyễn Du trong Văn chiêu hồn: "Cũng có kẻ đi về buôn bán/ Đòn gánh tre chín dạn hai vai/Gặp cơn mưa nắng giữa trời/Hồn đường phách sá lạc loài nơi nao?". Hình như người lao động thời nào cũng nhọc nhằn, lam lũ vậy?

Từ thân phận người phụ nữ cửu vạn, nhà thơ Nguyễn Thị Mai đã đặt ra câu hỏi: "Bữa ngon, hiểu được mấy ai?/Chỉ cây cầu biết/ thở dài với sông". Câu hỏi khơi gợi nhiều hướng liên tưởng, để có rau quả tươi ngon có ai hiểu nỗi vất vả nặng nhọc của người phụ nữ, chắc chỉ có cây cầu trăm tuổi ngoài kia hiểu được, tiếng thở dài với sông hay với nỗi đời cay đắng, rưng rưng.

Bài thơ đã khắc họa một nét khác của Thăng Long - Hà Nội, đó là phía mưu sinh lam lũ, nhọc nhằn. Lời thơ mộc mạc, giản dị, không nhiều dụng công về nghệ thuật cùng thể thơ lục bát truyền thống, giọng điệu trữ tình sâu lắng đã làm lay động lòng người đọc. 

NGUYỄN QUỲNH ANH

Chợ đêm Long Biên

     Buôn đêm để bán sáng ngày
Một vùng không ngủ kề ngay phố phường
     Ngợp trời rau quả muôn phương
Về đây từ khắp nẻo đường bán mua.

     Chợ đêm dù bão dù mưa
Vẫn đông người vợ, vẫn thưa người chồng
     Chuyển khuân, bốc dỡ, gánh gồng
Nón che kín mặt kiếm đồng sinh nhai

     Nữ nhi cửu vạn đêm dài
Vác khiêng hùng hục, sụn vai vẹo người
     Giữ lành quả ngọt, rau tươi
Chị tay đen đúa, em cười nhọ nhem

     Mồ hôi, sương muối ố hoen
Buốt lưng cửu vạn đã quen với nghề
     Đồng công năm bảy sẻ chia
Nẻo cơm quán trọ, nẻo về nuôi con

     Chợ trăng đêm khuyết đêm tròn
Khiêng sương, vác gió cũng mòn hai vai
     Bữa ngon, hiểu được mấy ai?
Chỉ cây cầu biết,
                             thở dài với sông. 

    Hà Thành, tháng 7.2009

NGUYỄN THỊ MAI