Bà lão có tài chữa lẹo mắt bằng kim khâu
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 12:08, 18/10/2020
Bà Trần Thị Sậu dùng kim khâu châm vào huyệt phế du nặn máu độc chữa bệnh lẹo mắt
Chữa không lấy tiền
Bà Trần Thị Sậu (69 tuổi) ở phường Ngọc Châu không nhớ hết đã chữa khỏi cho bao nhiêu người bị lên lẹo ở mắt. Người này truyền tai người kia nên nhiều người từ già đến trẻ đều tìm đến bà để chữa trị.
Anh Kha Anh Hùng (47 tuổi) ở phường Ngọc Châu cho biết cách đây 4 năm anh bị lên lẹo mắt. Dù đã làm nhiều cách nhưng không đỡ, mụn ngày càng to, ngứa và rất khó chịu. Nghe hàng xóm mách, anh đã tìm đến bà Sậu. “Tôi rất ngạc nhiên với cách chữa trị của bà lão. Bà làm rất đơn giản, chỉ dùng chiếc kim khâu trong chưa đầy 5 phút đã thao tác xong. Sau vài ngày, lẹo khỏi hẳn, khiến tâm lý tôi rất thoải mái vì trước đó tôi lo sợ nếu đi chích mắt sẽ để lại sẹo. Từ đó đến nay mắt tôi chưa bị tái phát”, anh Hùng nói.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Hà (38 tuổi) ở cùng phường cho biết phát hiện con gái lên lẹo ở mắt nên đã đưa đến một phòng khám đa khoa trong thành phố và được tư vấn dùng thuốc kháng sinh dạng mỡ để bôi. Nếu bôi thuốc không đỡ thì sẽ chích mụn kết hợp uống thuốc kháng sinh. Đang lo lắng vì nếu chích sẽ để lại sẹo hoặc vệ sinh không tốt sẽ bị nhiễm trùng thì nghe người nói có bà lão chữa lẹo mắt bằng mẹo rất hay, không phải động chạm dao kéo nên chị tìm đến bà Sậu để chữa trị cho con.
“Nhiều người nói nếu chích trực tiếp vào lẹo ở mắt sẽ để lại sẹo, rất xấu, thậm chí còn tái phát. Hơn nữa, tôi cũng đã bôi thuốc mỡ mấy ngày cho con nhưng không đỡ. Con tôi còn nhỏ, lại thường xuyên dụi tay vào mắt nên sợ vỡ lẹo bị nhiễm trùng. Tôi đã tìm đến bà Sậu để chữa cho cháu. Bà làm rất tài, chỉ từ 1-2 ngày mụn lẹo đã nhỏ đi trông thấy, 3-4 ngày sau không thấy gì nữa”, chị Hà chia sẻ.
Có một điều đặc biệt, bà Sậu chỉ chữa giúp không lấy tiền. Trường hợp nào nói khó lắm thì bà nhận vài chục nghìn cho người bệnh thấy thoải mái. Bình thường bà chỉ ở nhà trông cháu và tham gia một số công tác xã hội của khu dân cư. Ai có nhu cầu chữa trị thì bà sẵn sàng giúp đỡ.
Bà Sậu cho biết vui nhất là sau khi người bệnh khỏi đều gọi điện cảm ơn. “Tôi luôn nghĩ rằng chữa bệnh giúp được ai sẽ cố gắng hết mình, không nghĩ đến tiền bạc. Hơn nữa chữa bệnh giúp mọi người cũng là lấy phúc cho con cháu”, bà Sậu chia sẻ.
Áp dụng y học cổ truyền
Theo y học cổ truyền, nguyên nhân lẹo mắt là do phong và nhiệt tác động lẫn nhau làm tổn hại vùng mi mắt hoặc do ăn uống đồ cay nóng nhiều làm kinh vị hóa nhiệt gây tổn hại mi mắt. Theo Tây y, lẹo mắt do viêm tuyến bã hoặc tuyến lệ phụ ở ngay chân lông mi.
Đối với bà Sậu, sau khi chiếc kim khâu được hơ nóng bằng lửa, sát trùng bằng cồn 90 độ, bà yêu cầu người bệnh vắt tay sau lưng. Mắt lẹo bên nào thì vắt tay bên đó, khi đầu ngón tay trỏ đến đâu thì bà đánh dấu điểm đó và dùng kim khâu khêu nặn máu độc ra. Sau đó sát khuẩn lại chỗ vừa khêu. Thông thường, nếu bệnh lẹo mắt phát hiện và chữa trị sớm thì chỉ 1-2 ngày là khỏi hẳn, chữa trị muộn hơn thì cũng chỉ 4-5 ngày là lẹo tự vỡ mủ và không để lại sẹo. Bà Sậu cho biết ngoài sát trùng bằng cồn 90 độ có thể sát trùng bằng dầu gió hoặc cao Sao Vàng. Riêng kim khâu chỉ dùng một lần rồi bỏ.
Bà Sậu cho biết lý do bà biết được kỹ thuật chữa trị này là vì trước đây bà đã từng mắc bệnh lẹo mắt. Bà được một thầy thuốc chuyên về châm cứu ở TP Hải Dương chữa trị khỏi. Sau đó, bà xin thầy truyền dạy cách chữa trị. Bà rất tiếc vì đã từng truyền dạy cho con cháu, thậm chí cả người ngoài nhưng chưa ai làm được.
Về phương pháp trên, bác sĩ Trần Thị Tuyết Mai, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh khẳng định đây là cách chữa trị theo y học cổ truyền rất hay, cần gìn giữ và phát triển. Chữa trị bằng cách châm vào huyệt phế du để nặn máu độc. Tuy nhiên, người chữa trị theo phương pháp này cần có chuyên môn, được đào tạo bài bản để thực hiện đúng quy trình theo y học. Kim châm phải là kim chuyên dụng của ngành y và bảo đảm được tiệt khuẩn.
Những người không được đào tạo bài bản mà có kỹ thuật chữa trị như bà Sậu cần được nâng cao chuyên môn qua các lớp tập huấn của ngành y tế. Người dân khi mắc triệu chứng như trên cần đến cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán đúng bệnh, từ đó mới có cơ sở khoa học để điều trị.
THẾ ANH