Thanh Miện: Tích tụ ruộng đất mang lại hiệu quả kinh tế cao
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 15:20, 19/10/2020
Nhiều cánh đồng bỏ hoang đã được hồi sinh nhờ tích tụ ruộng đất
Xoá ruộng hoang
Trước đây cả cánh đồng thôn Tiêu Lâm, xã Ngũ Hùng (Thanh Miện) đều là "bờ xôi, ruộng mật", xanh tốt quanh năm. Tuy nhiên, gần đây diện tích ruộng bỏ hoang ngày càng nhiều do người dân không còn mặn mà với trồng lúa vì hiệu quả kinh tế không cao. Trước tình trạng lãng phí đất đai, anh Trần Xuân Ái ở thôn Tiêu Lâm, xã Ngũ Hùng đã thuê lại những thửa ruộng này để canh tác. Năm 2013, anh thuê 20 mẫu ruộng của bà con trong thôn để cấy lúa. Sau khi cải tạo lại đất và hệ thống tưới tiêu anh cấy toàn bộ diện tích bằng giống lúa Q5 vì là giống lúa cho năng suất cao, thích nghi với nhiều chất đất. "Vụ thu hoạch đầu tiên, trừ chi phí cải tạo ruộng ban đầu cao, gia đình tôi vẫn lãi hơn 10 triệu đồng. Tôi tiếp tục đi thuê thêm ruộng", anh Ái cho biết.
Đến năm 2019, anh Ái đã mượn 160 mẫu ruộng của hàng trăm hộ ở 2 thôn Tiêu Lâm, La Ngoại để sản xuất lúa tập trung. Mới đầu ruộng nằm rải rác, sau đã chuyển đổi được về thành từng khu lớn hơn. Những ruộng ngập cỏ, thùng vũng, đan xen được anh thuê máy móc để san gạt, đào đắp, tạo thửa, dùng phân ủ cải tạo đất. Đến nay, việc quy hoạch, cải tạo lại ruộng đồng đã hoàn thành. Từ những thửa ruộng chiêm trũng bị bỏ hoang nay đã trở thành những cánh đồng mẫu lớn, gieo cấy lúa cho năng suất, hiệu quả cao.
Cũng giống như nhiều địa phương khác trong huyện Thanh Miện, xã Hồng Quang cũng có diện tích ruộng bỏ hoang lớn. Nhiều cánh đồng không được canh tác, cỏ mọc ngang người. Là người đầu tiên trong xã nhận thấy hiệu quả từ tích tụ ruộng đất, ông Phạm Văn Hoan, ở thôn Liên Đông đã đứng ra thuê lại ruộng bỏ hoang để cấy lúa. Năm đầu tiên ông thuê được 4 mẫu ở nhiều cánh đồng khác nhau với giá từ 2-4 triệu đồng/mẫu/năm. Những năm tiếp theo ông vừa dồn ô đổi thửa vừa tiếp tục thuê thêm ruộng bỏ hoang. Đến nay, hơn 20 ha ruộng bỏ hoang ở các thôn Liên Đông, An Sơn đã được ông Hoan thuê lại để trồng những giống lúa chất lượng cao như Bắc thơm số 7, Nếp 415... Ông cũng đầu tư hơn 2 tỷ đồng mua máy gặt, máy cấy, máy cày, máy phun thuốc sâu...
Đến nay, toàn huyện Thanh Miện còn 74 ha ruộng bỏ hoang, giảm 20 ha so với năm 2018. Địa phương đang khuyến khích người dân tích cực tham gia tích tụ ruộng đất hướng tới sản xuất hàng hoá tập trung, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ngoài trồng lúa, nhiều gia đình trồng xen canh cây vụ đông trên cánh đồng mẫu lớn
Hiệu quả kinh tế cao
Để chủ động tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tái cơ cấu nông nghiệp, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, huyện Thanh Miện đã rà soát các diện tích bỏ hoang, hiệu quả kinh tế kém sang vùng chuyên canh lúa, rau màu tập trung. Đến nay, toàn huyện đã dồn ô, tích tụ đất đai được trên 500 ha tập trung, trong đó có 12 mô hình trên 30 ha và trên 20 mô hình có quy mô từ 5 ha trở lên. Các mô hình tích tụ ruộng đất tập trung chủ yếu ở các xã Ngũ Hùng, Ngô Quyền, Chi Lăng Nam, Thanh Giang... Việc tích tụ ruộng đất tập trung đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cao, cho lợi nhuận từ 50 - 100 triệu đồng/ha/năm.
"Nhờ tích tụ ruộng đất nên mỗi năm gia đình tôi thu hơn 600 tấn thóc, lãi 500 - 600 triệu đồng. Ngoài trồng lúa tôi còn trồng xen canh rau màu vụ đông từ 10-20 ha cho lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/năm. Việc cơ giới hoá trong sản xuất cũng giúp gia đình tôi tiết kiệm được nhiều chi phí khác", anh Ái cho biết.
Việc tích tụ ruộng đất ở Thanh Miện đã góp phần tích cực trong thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có quy mô tập trung, gắn với cơ giới hóa, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường.
"Để có thể xây dựng thêm nhiều mô hình tích tụ ruộng đất, mở hướng sản xuất quy mô lớn theo hướng tập trung, huyện Thanh Miện sẽ vận động nông dân và kêu gọi các cá nhân, tổ chức đầu tư vào nông nghiệp. Thời gian tới, huyện tiếp tục khuyến khích các xã, thị trấn chủ động tích tụ ruộng đất để tạo điều kiện kêu gọi doanh nghiệp đầu tư. Bên cạnh đó, đề xuất với cấp trên cấp nâng mức hỗ trợ cho những diện tích sản xuất tập trung lớn", bà Phạm Thị Nhung, Trường phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Miện cho biết.
ĐQ