Dạy chữ kiểu “đẽo cày...”
Góc nhìn - Ngày đăng : 09:19, 22/10/2020
Theo ý kiến của nhiều người, bộ sách lớp 1 mới có nội dung quá nặng và riêng sách tiếng Việt Cánh diều có nhiều bất cập như cách bố trí bài học không hợp lý, các câu chuyện không mang tính giáo dục cao, thậm chí còn phản cảm. Trước các luồng ý kiến này, ngày11.10, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã có công văn gửi Hội đồng quốc gia thẩm định SGK môn tiếng Việt lớp 1 đề nghị rà soát, báo cáo về nội dung SGK môn tiếng Việt lớp 1.
Việc tiếp thu ý kiến của phụ huynh, giáo viên về bộ SGK thể hiện tinh thần cầu thị của bộ, song điều đáng nói là những bộ sách này đã được chính Bộ GDĐT phê duyệt trước đó. Điều này có nghĩa là bộ đã phải nắm rất rõ về nội dung của các bộ SGK. Vậy mà trước sự phản hồi của dư luận, bộ lại “đề nghị Hội đồng rà soát, kiểm tra các nội dung báo chí nêu” giống như đối với một sự việc chưa nắm rõ. Điều này cho thấy khâu thẩm định các bộ SGK trước khi phê duyệt vẫn còn những bất cập.
Đây là năm học đầu tiên có nhiều bộ SGK lớp 1 được đưa vào giảng dạy trong nhà trường thay vì thống nhất dùng chung một bộ như trước đây. Khi triển khai những cái mới trong thực tế bao giờ cũng nảy sinh nhiều thắc mắc, so sánh với cái cũ. Những người thiết kế, phê duyệt chương trình phải lường trước được những thắc mắc, so sánh này để lý giải nguyên nhân của sự thay đổi từ trước khi triển khai. Trong quá trình triển khai, những vướng mắc cần tiếp tục được giải đáp, tháo gỡ một cách chủ động từ phía các cơ quan quản lý giáo dục. Như vậy chương trình mới mới có thể triển khai một cách trơn tru, hiệu quả. Còn với cách làm hiện nay, khi triển khai trong thực tế có ý kiến phản hồi rồi mới kiểm tra, rà soát cho cảm giác về sự bị động, lúng túng, theo kiểu “đẽo cày giữa đường”. Trong những ý kiến nêu trên báo chí, có cả sự băn khoăn, thắc mắc của những giáo viên lớp 1, cho thấy công tác tập huấn về chương trình giáo dục mới, các bộ SGK mới cho đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy ở một số nơi chưa thực sự hiệu quả.
Nếu như SGK có những nội dung chưa phù hợp thì tiếp thu, chỉnh sửa là hợp lý. Tuy nhiên, cần hạn chế bởi mỗi thay đổi đều ảnh hưởng tới rất nhiều học sinh và giáo viên trong cả nước. Thay vì triển khai rồi mới rà soát khi có ý kiến phản hồi thì cần xây dựng những bộ SGK chuẩn chỉ ngay từ đầu, được thẩm định kỹ lưỡng. Và ngay khi phê duyệt, cần có những kênh thông tin phổ biến cụ thể, chi tiết tinh thần, nội dung đổi mới chương trình, SGK để phụ huynh và những người quan tâm nắm được. Đồng thời tiếp thu ý kiến thắc mắc và phản hồi một cách cặn kẽ, dễ hiểu từ trước đến trong cả quá trình triển khai các bộ SGK mới. Công tác tập huấn cho đội ngũ giáo viên cần được tổ chức kỹ lưỡng, bao gồm cả kỹ năng giải đáp thắc mắc cho phụ huynh, hướng dẫn phụ huynh cách hỗ trợ con học tại nhà. Khi những công tác này được tổ chức thực hiện một cách chủ động và bài bản thì việc triển khai chương trình giáo dục mới sẽ thuận lợi hơn. Đây là những vấn đề ngành GDĐT cần rút kinh nghiệm bởi chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới trong giai đoạn bắt đầu triển khai, sẽ còn nhiều bộ SGK mới được đưa vào giảng dạy trong tương lai.
THÁI HÒA