Giá trị thời sự từ những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đại hội Đảng

Tin tức - Ngày đăng : 15:10, 23/10/2020

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham dự và chỉ đạo nhiều đại hội và hội nghị quan trọng của Đảng. Những chỉ dẫn của Người về Đại hội Đảng đến nay vẫn còn nguyên giá trị.


Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tổ chức tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, tháng 2.1951

Từ ngày 6.1-7.2.1930 tại bán đảo Cửu Long thuộc Hồng Kông (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản đã triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, thành một tổ chức duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thông qua những văn kiện hết sức quan trọng, đặt nền móng cho sự trưởng thành, lớn mạnh của Đảng để đảm đương sứ mệnh lãnh đạo, chèo lái con thuyền cách mạng trong đấu tranh giành chính quyền, xây dựng nền độc lập dân tộc. 


Trên cơ sở phân tích mâu thuẫn, thành phần giai cấp xã hội, Nguyễn Ái Quốc xác định mục tiêu của cách mạng Việt Nam rất rõ ràng trong Chánh cương vắn tắt của Đảng đó là làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản. Từ thực tiễn cho thấy, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với tiến trình cách mạng Việt Nam mà Nguyễn Ái Quốc là người giữ vai trò quyết định. Sự chỉ đạo tài tình, phương pháp làm việc khoa học, hợp tình, hợp lý của Người là nhân tố quan trọng nhất dẫn đến thành công của hội nghị, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng diễn ra từ ngày 11-19.2.1951 tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì nhiều phiên họp hoàn thiện dự thảo Báo cáo chính trị và trực tiếp chỉ đạo công tác chuẩn bị. Trong quá trình đại hội, Người rất coi trọng công tác tự phê bình và phê bình, để nhìn nhận ra ưu điểm, khuyết điểm, từ đó phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế. Chỉ đạo tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh những vấn đề rất quan trọng: Xác định những biến chuyển của tình hình thế giới; các giai đoạn phát triển của cách mạng Việt Nam; sửa chữa những khuyết điểm, sai lầm của Đảng; khẳng định vai trò, bản chất của Đảng; các nhân tố tạo nên sức mạnh nội lực của dân tộc. Những chỉ đạo đó của Người cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III diễn ra từ ngày 5 -10.9.1960 tại Hà Nội. Đại hội thông qua những nhiệm vụ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, tạo nên sự đồng thuận trong Đảng, phấn khởi của toàn dân, mở đường cho cách mạng Việt Nam tiếp tục vững bước tiến lên, giành những thắng lợi mới, vĩ đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đại hội lần thứ II đã đưa kháng chiến đến thắng lợi. Chắc chắn rằng Đại hội lần thứ III này sẽ là nguồn ánh sáng mới, lực lượng mới cho toàn Đảng và toàn dân ta xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà”. Với tư duy độc lập, chủ động, sáng tạo, cách làm việc khoa học, dân chủ, dám nghĩ, dám quyết, những Đại hội Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo đã để lại cho Đảng ta nhiều kinh nghiệm quý giá. Phương pháp tổ chức và điều hành các cuộc họp của Người là một mẫu mực, kết tinh thành giá trị văn hóa chính trị, văn hóa Đảng bền vững.

Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trên phạm vi cả nước. Đại hội lần này diễn ra trong bối cảnh nước ta đạt được những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Mặc dù vậy, tình hình trong nước và thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp khó lường; các thế lực thù địch tăng cường các hoạt động chống phá Đảng, chế độ; đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn. Những thuận lợi và khó khăn đang tác động không nhỏ đến quá trình triển khai tổ chức đại hội. Trong bối cảnh đó, những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đại hội Đảng vẫn còn nguyên giá trị và soi sáng cho Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Một là, công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng phải toàn diện, chu đáo, thực hiện đúng phương châm, giữ vững nguyên tắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng phải phân tích đúng thực tiễn khách quan, người chủ trì cấp ủy không bao biện công việc mà phân công một số đồng chí cùng làm. Trong các cuộc họp bàn chủ trương, biện pháp tổ chức đại hội phải biết lắng nghe ý kiến thảo luận của mọi người rồi mới đưa ra kết luận cuối cùng. Gặp những vấn đề còn thiếu sự nhất trí của các đại biểu, phải đề nghị mọi người tập trung thảo luận, bàn bạc để đi đến thống nhất, không được áp đặt ý kiến cá nhân.

Hai là, tiến hành đại hội cần đúng thủ tục, nguyên tắc, phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, nêu cao ý thức trách nhiệm nhằm đạt được mục đích, yêu cầu đề ra. Quá trình đại hội cần bám sát chỉ thị, hướng dẫn, nguyên tắc công tác Đảng. Đại hội là hội nghị quan trọng nhất của đảng viên hoặc đại biểu đảng viên, vì vậy phải tuyệt đối phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ tập thể, thảo luận sâu sắc, kỹ lưỡng các dự thảo văn kiện của đại hội, đề xuất được đường lối, chủ trương, nội dung biện pháp đúng, phù hợp, có tính khả thi cho cơ quan, đơn vị. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Trước khi thảo luận, mỗi một đồng chí phải nghiên cứu thật kỹ bản dự thảo Điều lệ Đảng. Khi thảo luận ở chi bộ thì mỗi một đồng chí phải liên hệ đúng đắn Điều lệ Đảng với công tác của chi bộ và của mình để góp đầy đủ ý kiến với Đại hội Đảng”. Đối với Đại hội Đảng bộ các cấp, “phải thật sự mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình; phải gom góp ý kiến của đảng viên để giúp đỡ Trung ương chuẩn bị Đại hội Đảng cho thật tốt”.

Quá trình đại hội còn có nội dung rất quan trọng đó là tiến hành bầu Ban Chấp hành Đảng bộ các cấp. Phải bảo đảm tuân thủ theo các quy định hiện hành của Đảng, đó là: Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19.5.2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng "về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4.8.2017 của Ban Chấp hành Trung ương "về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”;... Đại hội kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội… Cấp ủy còn phải bảo đảm phù hợp về cơ cấu độ tuổi, giới tính, đúng quy trình nhân sự.

Ba là, sau đại hội cần tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội, triển khai thực hiện nghị quyết đại hội với tinh thần, khí thế mới. Trong “Lời kết thúc buổi ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, nghĩa là những người thợ thuyền, dân cày và lao động trí óc kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân”, “chúng tôi xin hứa rằng Đảng Lao động Việt Nam quyết làm tròn nhiệm vụ của mình là đưa toàn dân đến: Kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công”.

Học tập lời dạy của Bác, sau đại hội, cấp ủy khóa mới cần tổ chức rút kinh nghiệm, báo cáo cấp ủy cấp trên chuẩn y kết quả bầu cử, kiện toàn các chức danh lãnh đạo. Xây dựng quy chế làm việc, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội, phân công công tác của cấp ủy viên, đưa nghị quyết vào cuộc sống với tinh thần, khí thế mới.

TS. PHẠM NGUYỄN NGỌC ANH