Phát hiện thêm một cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt 1 chi chít "sạn"
Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 15:13, 24/10/2020
Trước những tranh cãi của dư luận về sách giáo khoa Tiếng Việt 1 trong thời gian vừa qua, một số phụ huynh quyết định mua đủ 5 bộ sách đang được các trường giảng dạy trong năm lớp học 2020-2021 để tìm hiểu thông tin.
Nhiều phụ huynh tá hoả phát hiện, không chỉ cuốn Tiếng Việt 1- bộ sách Cánh diều có lỗi sai, cả cuốn Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục cũng có rất nhiều “sạn” ở mặt ngữ liệu bài đọc hiểu của học sinh.
Một số bài đọc “Sách vở sạch sẽ”, (trang 70, cuốn “Tiếng Việt 1, tập một) có mở đầu: “Hạnh mách mẹ: Mẹ à, anh Mạnh làm rách sách.” Câu hỏi trong bài tập đọc cũng lặp lại ý này: “Hạnh mách gì?”. Hai tranh minh họa còn vẽ bé Hạnh đứng ở một bên ghế để mách mẹ nữa!
Như vậy, thì không biết giữa lời khuyên giữ gìn sách vở với chuyện xúi bẩy trẻ mách lẻo, tác dụng nào mạnh hơn?
Bài tập đọc trong sách Tiếng Việt - bộ sách Vì sự bình đẳng và công bằng trong giáo dục do Nhà xuất bản Giáo dục VIệt Nam in ấn và phát hành
Bài tập đọc “Đi sở thú” (trang 73, tập 1, Tiếng Việt 1) kể chuyện một em bé tên là Lam đi sở thú. Đây có lẽ là sở thú kỳ lạ nhất thế gian: chỉ có ngan, gà và “có anh chó vàng đua xe đạp”. Nhưng con vật này hoàn toàn không phải nuôi trong sở thú, những kiến thức này sai căn bản từ phía nhóm tác giả.
Đến bài “Đổ rác” (trang 153), “Làm đẹp hè phố” (trang 157) cũng có rất nhiều sạn về mặt ngữ liệu khiến phụ huynh lo ngại, nếu học sinh phải thuộc những bài “thơ” này thì sẽ ra sao.
Bên cạnh một số đoạn văn chưa có ý nghĩa cụ thể, nhiều truyện dân gian, thơ, câu đố bị cắt xén tùy tiện. Một mẩu truyện Tấm Cám (trang 109, sách Tiếng Việt 1, tập một) như sau: “Tấm Cám. Tấm mồ côi mẹ, phải ở với mẹ kế là mẹ của Cám. Tấm rất chăm chỉ. Ngày ngày, Tấm mò cua, bắt cá, chăn trâu, cắt cỏ,... Còn Cám ham chơi, chả chịu làm gì. Có lần, cả hai đi bắt cá. Cám nghĩ kế lấy hết cá ở giỏ của Tấm để mẹ khen.
Đây chỉ đoạn mở đầu của truyện được tác giả biên soạn sách cắt ra một mẩu nhưng vẫn để tên truyện là “Tấm Cám".
Bài tập đọc khác trong sách Tiếng Việt - bộ sách Vì sự bình đẳng và công bằng trong giáo dục do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành và in ấn
Tương tự, bài tập “giải đố” (lẽ ra phải viết là “giải câu đố”) ở trang 139 đưa câu hỏi: “Tròn vành vạnh, trắng phau phau. Ăn no tắm mát rủ nhau đi nằm”.
Theo gợi ý từ tranh vẽ, có thể đoán đây là bát ăn cơm. Nhưng không rõ là 1 cái bát hay nhiều cái bát. Tranh không vẽ cái đĩa nào. Nhưng đĩa mới “tròn vành vạnh”, chứ bát thì chỉ có cái miệng mới tròn thôi. Câu đố dân gian gốc vốn là: “Một đàn cò trắng phau phau. Ăn no tắm mát rủ nhau đi nằm”.
Nói là “một đàn” thì mới có thể đoán đó là một chạn bát đĩa. Còn ra câu đố như sách Tiếng Việt 1 thì dù có tranh vẽ gợi ý cũng khó có thể trả lời đúng.
Nghiêm trọng hơn là bài đọc trang 156 - “Hoa khoe sắc” của tác giả Thu Hà. Tuy nhiên, theo phụ huynh chia sẻ, tên bài thơ này gốc là “Hoa kết trái”. Khổ thơ cuối trong nguyên gốc là: “Này các bạn nhỏ/ Đừng hái hoa tươi/ Hoa yêu mọi người/ Nên hoa kết trái”.
Phụ huynh thắc mắc không rõ vì sao tác giả tùy tiện đổi câu thơ cuối thành “Nên hoa khoe sắc”. Thông điệp của hình ảnh “hoa kết trái” khác hẳn với “hoa khoe sắc”. Theo đánh giá của phụ huynh cho rằng đây là sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm của tác giả biên soạn bộ sách.
Ngoài bài tập đọc, cách dùng từ ngữ âm, vần cũng có vấn đề, nhiều từ khó và nặng yếu tố địa phương xuất hiện trong các bài tập đọc như: “muỗm” (trang 114), “lá trang” (trang 149), “bắc kim thang” (trang 177), “té” (trang 177), “con trích cồ” (trang 178), “phố (đường)”, “hộ”, “té (ngã)”, “bò bía”, "chả",...
Theo VTC