Hạ tầng giao thông phát triển
Kinh tế - Ngày đăng : 22:30, 24/10/2020
Đường dẫn cầu Hàn đoạn từ đường 5B đến quốc lộ 37 thuộc huyện Nam Sách hoàn thành, mở ra cơ hội lớn thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển
Xác định hạ tầng giao thông là một trong những yếu tố quan trọng tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nhiều năm qua, Hải Dương đã tập trung nguồn lực để cải thiện lĩnh vực này.
Nhiều điểm nhấn
Hải Dương nằm ở vị trí trung tâm đồng bằng sông Hồng, thuộc tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế trong giao lưu, trao đổi thương mại, hệ thống hạ tầng giao thông được tỉnh quan tâm đầu tư, phát triển mạnh mẽ.
Hải Dương hiện có đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chạy qua tỉnh dài 40 km, 82 km đường gom cao tốc; 7 quốc lộ đi qua với tổng chiều dài 189 km; 21 đường tỉnh với tổng chiều dài 354 km...
5 năm qua, nhiều dự án, công trình hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp với quy mô đồng bộ, hiện đại, mang tính đột phá như đường trục Bắc - Nam, đường 62 m kéo dài đến nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cầu Mây, đường dẫn nối cầu Hàn với quốc lộ 37… Cùng với đó, các dự án kết nối Hải Dương với các địa phương lân cận, tạo nền tảng phát triển kinh tế vùng đã được triển khai như dự án cầu Triều và đường dẫn nối quốc lộ 18 (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) với đường tỉnh 398B (Kinh Môn); dự án xây dựng cầu Dinh kết nối quốc lộ 17B, đường tỉnh 389 (Kinh Môn) với đường tỉnh 352 (huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng); dự án xây cầu Quang Thanh kết nối đường tỉnh 390 (Thanh Hà) với đường tỉnh 360 (huyện An Lão, Hải Phòng); dự án kết nối đường trục trung tâm đô thị Mỹ Hào (Hưng Yên) đến quốc lộ 38 (Cẩm Giàng)… với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 1.480 tỷ đồng.
Cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện đã góp phần không nhỏ giúp các thành phần kinh tế phát triển. Ông Vũ Xuân Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP May Hải Anh (cụm công nghiệp Hồng Phúc - Hưng Long) đánh giá: “Ngoài môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi hơn, hạ tầng giao thông phát triển đã giúp cộng đồng doanh nghiệp rộng cửa tiếp cận những thị trường mới”.
Không khó để nhận ra sự đổi thay về giao thông ở các vùng nông thôn trong tỉnh thời gian qua. Đây là kết quả của nỗ lực đầu tư, nâng cấp, cải thiện hệ thống giao thông nông thôn, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Với sự chủ động tham mưu của Sở Giao thông vận tải, phương thức hỗ trợ bằng xi măng cho các địa phương đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần khuyến khích người dân chung tay tham gia xây dựng đường nông thôn.
Trong giai đoạn 2015 - 2019, toàn tỉnh làm được 2.480 km đường nông thôn đạt tiêu chuẩn với tổng kinh phí gần 4.500 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh hỗ trợ hơn 500.000 tấn xi măng (tương đương hơn 620 tỷ đồng) cho các địa phương. Hết năm 2019, toàn bộ các xã trong tỉnh đạt tiêu chí về giao thông, góp phần quan trọng vào đích đến 100% số huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2020.
Cầu Mây vượt sông Kinh Môn, nối huyện Kim Thành với thị xã Kinh Môn
Hoàn thiện bản đồ giao thông
Giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh xác định 1 trong 3 nhiệm vụ đột phá là huy động đa dạng các nguồn lực phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, đô thị thông minh và NTM kiểu mẫu.
Ông Lê Quý Tiệp, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải nhận định với trên 12.000 km đường bộ các loại, hơn 400 km đường thủy nội địa và trên 60 km đường sắt, thời gian tới tỉnh sẽ phát triển hệ thống giao thông phù hợp với định hướng tổ chức không gian của tỉnh trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về địa lý. Tiếp tục rà soát quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải giai đoạn từ năm 2011 đến nay, xem xét, đánh giá mạng lưới, tuyến đường trọng yếu. “Loại bỏ những tuyến đường không đáp ứng yêu cầu và bổ sung các tuyến bảo đảm điều kiện để xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, liên thông giữa các loại hình vận tải đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa; kết nối hệ thống đường cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh với các khu kinh tế, khu công nghiệp”, ông Tiệp cho biết.
Để khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng trong giao thương, Hải Dương tiếp tục đầu tư nâng cấp mạng lưới đường tỉnh cũng như các dự án kết nối vùng tỉnh. Nâng cấp lên quy mô đường cấp III đồng bằng một số tuyến đường tỉnh như 389, 390, 391, 392... nhằm nâng cao khả năng kết nối giữa mạng lưới giao thông hiện có.
Xây dựng các tuyến kết nối, cung đường mới như đường trục Bắc - Nam huyện Thanh Miện để phục vụ phát triển công nghiệp khu vực phía nam tỉnh; đường tỉnh 397 kết nối tỉnh Bắc Ninh với quốc lộ 37; đường tỉnh 392 kéo dài kết nối thị trấn Tứ Kỳ đến đường dẫn cầu Quang Thanh đi Hải Phòng; đường tỉnh 394B kết nối quốc lộ 5 với đường tỉnh 392; đường tỉnh 386 (tỉnh Hưng Yên) kết nối với đường tỉnh 396; đường dẫn cầu Dinh...
Ngoài nguồn vốn ngân sách tỉnh dành cho các dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống đường tỉnh, các dự án giao thông kết nối vùng sẽ huy động nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, nguồn vốn hợp tác xây dựng với các tỉnh. Những đoạn tuyến đi qua khu vực nội thị các thị trấn, thành phố, thị xã có thể huy động từ ngân sách huyện. Tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư theo phương thức PPP với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, nhất là trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn chế...
HÀ KIÊN-THÀNH CHUNG