Bước tiến mới trong xây dựng thương hiệu, tiêu thụ nông sản

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 15:35, 26/10/2020

Xác định nông nghiệp là một trong những lợi thế phát triển kinh tế, những năm qua Hải Dương luôn quan tâm xây dựng thương hiệu và tìm đầu ra cho nông sản.


Sơ chế cà rốt xuất khẩu ở Đức Chính (Cẩm Giàng)

Chú trọng xây dựng nhãn hiệu

Hải Dương là vựa nông sản miền Bắc với nhiều sản phẩm nông nghiệp phong phú. Tỉnh đã lựa chọn 21 nông sản thế mạnh và mang tính đặc thù để định hướng phát triển chuyên sâu. Trong đó, việc xây dựng nhãn hiệu để bảo hộ sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường được đặt lên hàng đầu.

Từ lâu gạo Bắc thơm số 7 Thanh Miện đã được khách hàng ưa chuộng, nhưng do chưa có nhãn hiệu nên thường xuyên bị trà trộn làm ảnh hưởng tới uy tín sản phẩm. Năm 2019, loại gạo này chính thức được bảo hộ đã mở ra cơ hội mới cho nông sản đặc trưng của địa phương. Theo bà Phạm Thị Nhung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Miện, nhãn hiệu là bằng chứng để khẳng định thương hiệu. Bắc thơm số 7 là giống lúa chủ lực của địa phương, chiếm 60% diện tích gieo cấy. Khi có nhãn hiệu, người dân chủ động tiêu thụ thóc gạo. Nhờ vậy, nông dân không còn phải thấp thỏm về đầu ra sản phẩm như trước. Huyện đã quy vùng sản xuất tập trung với quy mô hơn 30 ha/vùng, bảo đảm chất lượng đồng bộ giúp sản phẩm tiêu thụ thuận lợi.

Rươi, cáy và các sản phẩm từ rươi, cáy là đặc sản nông nghiệp giá trị cao của huyện Tứ Kỳ. Toàn huyện hiện có gần 230 ha đất bãi sông Thái Bình phục vụ khai thác rươi, cáy với sản lượng hơn 300 tấn/năm. Năm 2018, Hội Nông dân huyện đã xây dựng thành công nhãn hiệu cho những sản phẩm này. Từ khi có nhãn hiệu, rươi, cáy đã trở thành sản phẩm hàng hóa chuyên biệt. Những vùng đất bãi được người dân quy hoạch bài bản để bảo đảm điều kiện tốt nhất cho rươi, cáy phát triển. Có nhãn hiệu, việc nhận diện sản phẩm cũng dễ dàng hơn, rươi, cáy Tứ Kỳ không còn bị nhầm lẫn với các sản phẩm cùng loại khác. Nhờ đó, vị thế của sản phẩm ngày càng được nâng cao. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tứ Kỳ cho biết: "Là đơn vị sở hữu và quản lý nhãn hiệu, hội đã cung cấp thông tin về biểu trưng của sản phẩm cho các hội viên có nhu cầu sử dụng. Thời gian qua, nhãn hiệu rươi, cáy Tứ Kỳ đã được nhiều người biết tới. Đây chính là cơ sở để hội thực hiện chuỗi liên kết trong khai thác và tiêu thụ sản phẩm chủ lực này của địa phương".

Hiện nay, toàn tỉnh đã có 25 sản phẩm nông nghiệp được đăng ký nhãn hiệu tập thể. Ngoài những nông sản đã có thương hiệu từ lâu như vải thiều Thanh Hà, nếp cái hoa vàng Kinh Môn, cà rốt Đức Chính... thì những sản phẩm mới được xây dựng nhãn hiệu như gạo Bắc thơm Thanh Miện, rau an toàn Gia Lộc, chanh quất Thanh Hà... đều có tiềm năng, lợi thế phát triển lâu dài. Có nhãn hiệu, người dân vừa được bảo đảm quyền lợi, đồng thời gắn thêm trách nhiệm với sản phẩm do mình làm ra.

Tăng cường liên kết 

Do đặc tính mùa vụ và phụ thuộc vào tiểu thương mà trước đây nông sản thường xuyên chịu cảnh được mùa mất giá, nhưng đến nay tình trạng này đã phần nào được giải quyết nhờ tăng cường liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ. Ở không ít địa phương trong tỉnh, nông sản được sản xuất theo đơn đặt hàng nên ít phải đối mặt với rủi ro. Không chỉ mang lại lợi ích cho người dân, việc liên kết còn giúp doanh nghiệp tự chủ trong kinh doanh. Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Hoa Mai (Nam Sách), thời kỳ trước, để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu nông sản, công ty phải gom hàng ở nhiều tỉnh, thành phố rồi chọn lọc những sản phẩm đủ tiêu chuẩn. Như vậy vừa mất thời gian, công sức nhưng chưa chắc đã đủ số lượng đơn hàng. Đây cũng là nghịch lý khi ở giữa vùng nông sản dồi dào mà vẫn phải tìm nguyên liệu từ nơi khác. Vài năm nay, công ty đã đặt hàng nông dân sản xuất và thu được kết quả khả quan. "Liên kết giúp công ty có được hàng hóa bảo đảm điều kiện, còn người dân không phải canh cánh mối lo về đầu ra sản phẩm cũng như giảm bớt gánh nặng chi phí sản xuất khi được doanh nghiệp hỗ trợ về giống, vật tư. Nông dân đã ý thức liên kết sản xuất với doanh nghiệp nên tình trạng phá vỡ hợp đồng không còn nhiều như trước", ông Hòa chia sẻ.

Đến nay, Hải Dương đã xây dựng được 37 chuỗi liên kết trong trồng trọt và chăn nuôi. Dù quy mô liên kết chưa lớn nhưng đã từng bước đặt nền tảng cho việc hình thành một nền nông nghiệp bài bản, chuyên nghiệp. Trước thực tế này, tháng 12.2019, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 17 về quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Theo đó, tỉnh hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng, hạ tầng phục vụ liên kết, xây dựng mô hình khuyến nông cho các bên tham gia liên kết, tập huấn kỹ thuật, đào tạo nghề và vật tư nông nghiệp. Đây là động lực để các tổ chức, cá nhân thực hiện liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Từ lâu, những nông sản chủ lực trong vụ đông của tỉnh như cải bắp, su lơ, cà rốt... đã được xuất khẩu. Riêng năm 2020 đánh một dấu mốc quan trọng trong tiêu thụ nông sản của Hải Dương khi lần lượt những loại trái cây thế mạnh của tỉnh là vải quả, nhãn, ổi khai thông những thị trường khó tính theo đường chính ngạch. Điều này đã tạo ra lợi thế lớn để sản phẩm của tỉnh không còn phụ thuộc vào Trung Quốc và giá trị sản phẩm ngày càng nâng cao.

Theo bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xây dựng thương hiệu và tăng cường liên kết là giải pháp cốt lõi để thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Hải Dương có nhiều tiềm năng để có thể mời gọi và giữ chân doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh sự chủ động của các cấp, các ngành thì chủ thể sản xuất cũng cần tích cực hợp tác để tạo ra chuỗi cung ứng nông sản bền chặt. 

HOÀNG LINH