Bão số 9 sẽ gây ''ảnh hưởng kỷ lục'' nếu đất liền có gió giật từ cấp 12

Môi trường - Ngày đăng : 19:38, 27/10/2020

Đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết do di chuyển trong điều kiện thuận lợi trên biển nên bão số 9 được nhận định sẽ tiếp tục mạnh lên từ chiều, tối nay (27.10).


Toàn cảnh cuộc họp

Nhận định về diễn biễn của cơn bão số 9 đặc biệt nguy hiểm, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, nhấn mạnh: “Nếu cơn bão số 9 đổ bộ vào đất liền gây ra gió mạnh với cường độ từ cấp 12 trở lên thì đây sẽ là một trong những cơn bão ảnh hưởng trực tiếp mạnh nhất trong vòng 20 năm qua”.

Tâm bão đổ bộ từ Quảng Ngãi-Bình Định

Chia sẻ tại buổi họp thông tin về cơn bão số 9 diễn ra chiều nay, 27.10, ông Lâm cho biết do di chuyển trong điều kiện thuận lợi trên biển nên bão số 9 được nhận định sẽ tiếp tục mạnh lên từ chiều, tối nay (27.10).

Hiện tại, bão đang di chuyển với tốc độ khoảng 25 km/giờ, hướng chủ đạo vẫn về phía tây. Trưa nay, bão số 9 vẫn duy trì cấp độ 14, giật cấp 17.

Ông Lâm cũng cho biết cơ quan khí tượng Nhật Bản cũng đưa ra khuyến cáo khoảng 19 giờ tối nay, bão số 9 sẽ đạt cường độ cực đại ở cấp 13-14, giật cấp 15-16, sau đó suy yếu. Khi ảnh hưởng vào đất liền, bão vẫn đạt cường độ 12-13. Dự báo, bão sẽ đi vào khu vực Quảng Ngãi-Bình Định với sức gió có thể mạnh cấp 12-13.

Gió mạnh, mưa lớn do bão sẽ kéo dài từ chiều tối hôm nay cho đến trước 19 giờ ngày 28.10. Sau đó, các hệ thống của bão sẽ suy yếu.

Còn theo phân tích của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia (Việt Nam), lúc 13 giờ chiều 27.10, vị trí tâm bão cách Đà Nẵng khoảng 660 km, cách Quảng Nam 550 km, cách Quảng Ngãi 500 km, cách Phú Yên 450 km.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-165km/giờ), giật cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 320 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 160 km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc (mỗi giờ đi được 20-25 km), đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên với sức gió mạnh nhất cấp 12-13, giật cấp 15, sau đó bão số 9 sẽ suy yếu dần.

Đến khoảng 13 giờ ngày 28.10, vị trí tâm bão trên đất liền các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100 km/giờ), giật cấp 13.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 11,0 đến 18,0 độ vĩ bắc; phía Tây kinh tuyến 116,0 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ chịu tác động của gió giật mạnh.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được 25 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.


Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia

Đến 1 giờ ngày 29.10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,2 độ vĩ bắc; 105,5 độ kinh đông, trên khu vực biên giới Lào-Thái Lan. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8.

Có thể gây ảnh hưởng mạnh nhất trong vòng 20 năm

Cũng theo ông Hoàng Phúc Lâm, qua tham khảo tình hình từ Cơ quan khí tượng Philippines, nơi cơn bão số 9 (bão Molave) vừa đi qua, ghi nhận có gió mạnh cấp 12, nhà cấp 4 nếu có kết cấu không chắc chắn gần như bị phá hủy rất nhiều. Mưa bão gây ra tình trạng ngập lụt diện rộng khiến nhiều hộ dân phải đi sơ tán.

Dự báo hiện nay vùng trọng tâm chịu ảnh hưởng của bão là các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định với gió mạnh cấp 11-13, giật cấp 15.

“Nếu tình huống này xảy ra thì sức tàn phá của bão là cực kỳ khủng khiếp. Nhà cấp 4, cây cối... không thể chịu được. Đây sẽ là một trong những cơn bão mạnh nhất ở Việt Nam trong 20 năm qua”, ông Lâm nhấn mạnh.

Một số cơn bão mạnh tương đối với bão số 9 được cơ quan khí tưởng chỉ ra là bão số 6 - Xangsane năm 2006, bão số 5 - Lekima năm 2007, bão số 8 - Sơn Tinh năm 2012, bão số 1 - Marinae năm 2016, bão số 10 - Doksuri năm 2017, bão số 12 - Damrey năm 2017.

Bổ sung thêm về cơn bão, ông Nguyễn Bá Thuỷ, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết với cấp gió 12-13, bão số 9 sẽ gây ra sóng cao trên 10m ở Biển Đông. Khu vực ven bờ, sóng có thể cao 6-8m. Các tỉnh Bắc Trung Bộ, sóng cao 3-5m. Thời gian sóng lớn nhất là vào 7-13 giờ ngày 28.10.

Vùng biển từ Nghệ An-Bình Định đều có nguy cơ nước biển dâng từ 0,5-1m. Riêng khu vực Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế nước dâng do bão có thể đạt 1,5m. Từ đêm 27.10 đến ngày 29.10, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; Bắc Tây Nguyên 100-200mm/đợt.

Từ 28-31.10 khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; riêng Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có lượng mưa phổ biến 500-700 mm/đợt.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng đánh giá bão số 9 là cơn bão mạnh và như các dự báo đã nêu, có thể khi đổ bộ vào đất liền sẽ mạnh nhất trong vòng 20 năm qua.

Hiện, đoàn công tác của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đang trực tiếp chỉ đạo ứng phó bão số 9 tại Ban chỉ đạo đặt ở Đà Nẵng.

Với mức độ ảnh hưởng trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các cơ quan chức năng cần có dự bão rõ ràng về hướng đi, cường độ, cảnh báo cụ thể, đặc biệt trên biển để người dân, địa phương nắm được, chủ động biện pháp phòng tránh.

Theo Vietnam+