Tinh giảm biên chế quá "sát", giáo viên đang chịu nhiều áp lực

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 05:47, 31/10/2020

"Giáo viên ở các trường đang chịu rất nhiều áp lực. Vừa là áp lực phải đổi mới phương pháp dạy học, vừa áp lực về việc "gánh" thêm những việc của nhân viên trường học".

Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tại tọa đàm “Thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội với việc đổi mới giáo dục phổ thông” do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức mới đây.

Tinh giảm biên chế quá 'sát', giáo viên đang chịu nhiều áp lực
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: Thanh Hùng

Bà Mai Hoa cho hay, vừa qua, Ủy ban đã thực hiện chương trình giám sát việc triển khai, thực hiện Nghị Quyết 88/NQ-QH và một trong những nội dung mà đoàn giám sát của Ủy ban đặc biệt quan tâm. Đó là công tác chuẩn bị đội ngũ và công tác tập huấn để chuẩn bị triển khai chương trình lớp 1 trong năm học mới.

“Qua việc đi thực tế tại các địa phương, cũng như làm việc với các đơn vị, chúng tôi nhận thấy việc triển khai chương trình lớp 1 không quá khó. Tuy nhiên, qua giám sát một số vấn đề đặt ra, chúng ta cũng phải quan tâm để có rút kinh nghiệm cho những năm sau”, bà Hoa nói.

Một trong số đó là công tác chuẩn bị đội ngũ. Theo bà Hoa, mặc dù đủ về số lượng nhưng ở các địa phương vẫn đang trong tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở môn này, môn khác. Dẫn đến tình trạng không thể bố trí đủ được giáo viên theo yêu cầu của chương trình, sách giáo khoa mới, nhất là trong bối cảnh thực hiện tinh giảm biên chế.

“Ở địa phương, chúng tôi thấy đang thực hiện tinh giảm biên chế trong ngành giáo dục rất sát và rất nhiều trường đã tinh giản các vị trí nhân viên phụ trách thiết bị trường học, thư viện,...

Điều này dẫn đến việc các giáo viên phải kiêm nhiệm thêm các công việc của vị trí nhân viên trường học. Do đó, giáo viên ở các trường đang chịu rất nhiều áp lực. Vừa là áp lực phải đổi mới phương pháp dạy học, vừa áp lực về việc "gánh" thêm những việc của nhân viên trường học. Thêm vào đó, chúng ta đang thực hiện Luật Giáo dục 2019 và yêu cầu về chuẩn hóa về trình độ đội ngũ giáo viên”.

Ngoài ra, về việc tập huấn trực tuyến cho giáo viên, theo bà Hoa, có vẻ thuận lợi ở những địa phương có đầy đủ về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin nhưng đối với vùng sâu, vùng xa thì việc này không dễ.

“Cũng như đối với một bộ phận giáo viên tuổi cao và quá trình đào tạo không được bài bản thì chắc chắn hình thức trực tuyến trong những năm tới sẽ khó khăn”, bà Hoa nói.

Tuy nhiên, bà Hoa cũng ghi nhận về công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên. Qua giám sát cho thấy, các địa phương sẵn sàng về đội ngũ cho việc triển khai chương trình lớp 1; lựa chọn đội ngũ có kinh nghiệm nhất, năng lực nhất để bắt đầu triển khai chương trình lớp 1, nhằm bảo đảm thực hiện tốt ngay từ năm đầu tiên.

Theo Vietnamnet