Lan tỏa giá trị nhân văn bằng ''trái tim nóng và cái đầu lạnh''

Xã hội - Ngày đăng : 09:37, 01/11/2020

Trong gian nguy, mất mát, tinh thần tương thân, tương ái, truyền thống tốt đẹp của dân tộc lại được phát huy, phong trào ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục khó khăn do thiên tai bão lũ, đã lan rộng.


Hiện trường tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích tại Trạm Quản lý bảo vệ rừng Thác Voi, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình

Thiên tai bão lũ hoành hành tại miền Trung, gây nhiều tổn thất to lớn cả về người và tài sản.

Hàng chục cán bộ, chiến sỹ đã ngã xuống trong khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn...

Trong gian nguy, mất mát, tinh thần tương thân, tương ái, truyền thống tốt đẹp của dân tộc lại được phát huy, phong trào ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục khó khăn do thiên tai bão lũ, đã lan rộng khắp cả nước.

Tuy nhiên, để giá trị nhân văn của các hoạt động thiện nguyện tiếp tục lan tỏa, cần có “trái tim nóng” và “cái đầu lạnh”.

Những ngày qua, hình ảnh chân thực về sức tàn phá khủng khiếp của các cơn bão số 8, số 9, khiến người dân cả nước không khỏi xót xa khi đồng bào miền Trung oằn mình trong mưa lũ.

Nước trắng trời, biến đường thành sông, nhấn chìm nhà cửa, của cải của người dân. Những cụ già, em nhỏ giữa mênh mông nước lũ, những ánh mắt thất thần khi mất đi người thân chỉ trong tích tắc...

Vụ sạt lở kinh hoàng ở hai huyện Nam Trà My và Phước Sơn của tỉnh Quảng Nam, hay vụ chìm tàu khiến hàng chục ngư dân Bình Định mất tích... cho thấy dù đã có sự đề phòng, nhưng thiên tai vẫn có thể ập đến bất kỳ lúc nào, cướp đi sinh mạng con người.

Để khẩn trương hỗ trợ người dân, các ngành, các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc liên tục chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, chính quyền các cấp tăng cường lực lượng, phương tiện đến các khu vực sạt lở, bị cô lập do mưa lũ khẩn trương thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn; đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng bố trí kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai cho các địa phương theo quy định, kịp thời hỗ trợ đồng bào, bảo đảm những nhu cầu thiết yếu nhất.


Người dân xã Hưng Trung, Nghệ An, được hỗ trợ các nhu yếu phẩm và lương thực trong những ngày bị cô lập

Trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ tại "rốn lũ", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tuyệt đối không để người dân “màn trời chiếu đất”, bị đói, bị thiếu thuốc men.

Những khu vực sạt lở, có người bị vùi lấp, mất tích do mưa lũ, quân đội phải là lực lượng đầu tiên tiếp cận, khẩn trương tìm kiếm các nạn nhân...

Trước sự hoành hoành của mưa lũ, khắp nơi trên cả nước dấy lên phong trào quyên góp để giúp đồng bào vùng thiên tai với tinh thần "lá lành đùm lá rác.."

Từ những em học sinh dành số tiền tiết kiệm nhỏ bé của mình, đến các tập đoàn kinh tế lớn với số tiền ủng hộ nhiều tỷ đồng, ai ai cũng muốn chung tay chia sẻ những mất mát mà người dân vùng lũ đang phải hứng chịu...

Hàng trăm đoàn từ thiện không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, tình nguyện sẻ chia, chung tay góp sức, đưa đồ dùng, thực phẩm đến tận tay người dân vùng lũ.

Khó mà kể hết những tấm lòng thiện nguyện hướng về đồng bào miền Trung ruột thịt mỗi hành động, sự giúp đỡ dù nhỏ bé nhưng chan chứa tình người, tiếp sức cho bà con cùng lũ vượt qua khó khăn, hoạn nạn.


Trẻ em tại khu vực bị sạt lở Trà Leng nhận đồ cứu trợ

Thế nhưng, thật đau lòng, lại có những cá nhân lợi dụng tình cảm, lòng tin của người dân, lợi dụng hoàn cảnh lũ lụt đau thương, nhân danh hoạt động từ thiện để vận động quyên góp tiền, hiện vật... vì mục đích cá nhân.

Dư luận bất bình khi phát hiện có những kẻ mạo danh người nổi tiếng, người có uy tín để vận động từ thiện, nhằm chiếm đoạt tài sản.

Đáng buồn là, một số người nhân danh hoạt động từ thiện, tự cho mình quyền “đòi hỏi” ngay cả đối với lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ.

Hoạt động từ thiện là đáng trân trọng, nhưng trước hết phải tuân thủ các quy định, quy tắc, không thể vượt qua những giới hạn thông thường. Thật tùy tiện khi yêu cầu sử dụng cano trực chiến của lực lượng chức năng để vận chuyển vật phẩm từ thiện, bởi những phương tiện đó bất cứ lúc nào cũng có thể phải sử dụng cho công tác cứu hộ, cứu nạn.

Để tìm kiếm, cứu trợ người dân, nhiều cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh thân mình trong khi thực thi nhiệm vụ. Sự hy sinh trong thời bình của các anh đã để lại nỗi tiếc thương, mất mát to lớn cho gia đình, người thân, đồng đội. Tinh thần quả cảm, xả thân ấy thật đáng trân trọng.

Vậy mà, vẫn có những kẻ cố tình bịa đặt thông tin, xuyên tạc nhằm mục đích bôi nhọ, xúc phạm danh dự, tinh thần cống hiến hy sinh, làm tổn thương hình ảnh cao quý Bộ đội Cụ Hồ, gây bất bình trong nhân dân.

Trong điếu văn đọc tại Lễ truy điệu 13 liệt sỹ hôm 18.10 vừa qua, Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Tư lệnh Quân khu 4, nhấn mạnh: “Chúng ta đã, đang thực sự sống trong cuộc chiến đấu giữa thời bình. Hành động “phía trước là nhân dân” với mệnh lệnh từ trái tim, luôn sẵn sàng có mặt ở nơi hiểm nguy để cứu giúp nhân dân là hành động cao đẹp, thể hiện sâu sắc phẩm chất sáng ngời và bản lĩnh của Bộ đội cụ Hồ”.

Quân đội tham gia cứu hộ, cứu nạn, giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai là một nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình. Xung kích đến những nơi hiểm nguy, hỗ trợ những người dân đang bị mưa lũ cô lập, rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, nguy hiểm rình rập, cuộc sống thiếu thốn lương thực, thuốc men... đó là mệnh lệnh từ trái tim mỗi người lính Cụ Hồ.

Nhấn mạnh vai trò của lực lượng quân đội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định: “Trong những diễn biến phức tạp của tình hình, cán bộ, chiến sĩ toàn quân đã thực sự là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, xứng đáng là quân đội của nhân dân, quân đội trong lòng dân. Quân đội luôn là lực lượng nòng cốt, xung kích đi đầu trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường...”.

Để hoạt động thiện nguyện mang lại hiệu quả, lan tỏa giá trị nhân văn, mỗi người dân hãy bình tĩnh, tỉnh táo, tiếp nhận thông tin có chọn lọc, có kiểm chứng, nhất là những thông tin trên mạng xã hội, tránh để các đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo...

Mỗi cá nhân, hội, nhóm từ thiện cần lựa chọn cách thức phù hợp để hỗ trợ hiệu quả người dân vùng lũ, bảo đảm an ninh, an toàn, không để xảy ra những sự việc đáng tiếc.

Việc phối hợp với chính quyền địa phương, MTTQ, Hội Chữ thập đỏ các cấp, các tổ chức nhân đạo từ thiện có uy tín, sẽ giúp cho hoạt động từ thiện đạt được mục tiêu, đáp ứng đúng mong muốn của người có tâm nguyện, đó là hỗ trợ, giúp đỡ đúng người, đúng địa chỉ, không lãng phí thời gian, công sức...

Làm từ thiện bằng trái tim yêu thương, nhưng cũng cần hết sức tỉnh táo để tình yêu thương ấy được trao đúng nơi, gửi đúng chỗ, tiếp tục phát huy truyền thống quý báu “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam.

Theo TTXVN