Cặp đôi lừa bán thiên thạch giả

Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 17:04, 01/11/2020

Không có nghề nghiệp, không có thu nhập ổn định, cặp đôi Nhữ Minh Tiến và Hoàng Thanh Lâm đã tạo ra thiên thạch giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác.



Thiên thạch làm từ nhựa đường


Năm 2015, khi đang bị tạm giam về tội lưu hành tiền giả, Nhữ Minh Tiến (sinh năm 1960, ở xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) bỏ trốn và bị truy nã. Trong thời gian bỏ trốn, Tiến biết một số tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua thiên thạch, đồ gia bảo với giá cao. Đang lúc túng quẫn lại nhận thấy đây là cơ hội kiếm tiền nhanh, Tiến dùng nhựa đường, bột nhựa, xốp và keo 502 tạo ra một vật hình trụ, dài khoảng 3 cm, một đầu có đường kính khoảng 1 cm, đầu còn lại nhọn. Sau khi hoàn thành, Tiến tung tin là mình có đồ gia bảo dạng thiên thạch của dòng họ với tính năng đặc biệt cần bán để chia tiền cho các thành viên trong họ. Thời điểm này, Tiến đang chung sống như vợ chồng với Hoàng Thanh Lâm (tên gọi khác là Lan, sinh năm 1978, trú ở phường Đức Chính, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) tại nhà bà Ng.T.Kh. (mẹ đẻ của Lâm) ở xã Minh Tân (Nam Sách).

Tháng 7.2019, qua bạn bè giới thiệu, chị L.B.H. biết và liên hệ với Tiến hỏi mua đồ gia bảo. Để tạo niềm tin cho chị H., Tiến không đồng ý gặp ngay mà đưa lý do đồ gia bảo của dòng họ có yếu tố tâm linh, chỉ người nào có ý định mua thực sự và hợp tuổi mới bán. Tiến bảo chị H. gửi ảnh chụp chứng minh nhân dân để kiểm tra và liên lạc với Lâm để hẹn gặp. 

Do không hiểu biết về thiên thạch, qua giới thiệu, chị H. gặp và nhờ ông D.B.C. (Hà Nội) đi kiểm tra, đánh giá hộ. Giữa tháng 7.2019, chị H. hai lần cùng ông D.B.C. đến gặp Tiến xem, bàn bạc việc mua đồ gia bảo. Các lần gặp, Tiến tự giới thiệu tên là Thanh, quê ở Thanh Miện, chồng của Lâm và hiện đang ở rể. Tiến nói với chị H. có đồ gia bảo dạng thiên thạch của dòng họ để lại và đưa ra giá bán 200 triệu USD. Tiến rêu rao rằng món đồ quý này kích thước nhỏ nhưng trọng lượng lớn, có nhiều tính năng đặc biệt như không chìm trong nước, có phóng xạ, làm rạn gương, đông thủy ngân. Tiến yêu cầu chị H. phải chứng minh tài chính có 5 tỷ đồng mới thực hiện giao dịch và phải làm cam kết chuyển nhượng, đặt cọc trước 500 triệu đồng. 

"Phù phép" làm rạn gương

Mặc dù cam kết đồ gia bảo có nhiều tính năng đặc biệt nhưng chị H. chỉ được Tiến cho xem tính năng làm rạn gương 2 lần tại nhà bà Kh.

Chiều 23.7.2019, chị H. đến nhà, Tiến bảo chị đi mua gương về thử tính năng làm rạn gương của đồ gia bảo. Để lừa đảo tạo sự huyền bí, sức mạnh siêu nhiên, Tiến nói đồ gia bảo có phóng xạ nên có lần hắn bị chảy máu mồm, máu mũi khi cầm nó. Nhằm chứng minh đồ gia bảo có phóng xạ, Tiến đeo khẩu trang, găng tay rồi lấy vật giả gia bảo đặt lên đĩa và lấy gương của chị H. mua để vào. Cũng lúc này, Tiến nhanh tay tráo gương bị rạn từ trước thay cho chiếc gương của chị H. Khoảng 5 phút sau, Tiến lấy gương ra, chị H. thấy mặt gương bị nứt hình vẩy cá nên tin là đồ gia bảo thật.

Sau khi có kết quả thử gương, sáng hôm sau, chị H. cùng chị gái đi xe ô tô xuống gặp Tiến. Do chị H. không có tiền đặt cọc nên Tiến yêu cầu đặt xe ô tô của người chị gái để làm tin. Chị này đồng ý cho chị H. mượn xe ô tô đặt cọc. Tiến còn yêu cầu chị H. viết giấy vay nợ của Lâm số tiền 500 triệu đồng để bảo đảm chị sẽ trả tiền đặt cọc. Sau khi viết xong giấy vay nợ, Tiến viết cam kết chuyển nhượng đồ gia bảo và nhận tiền đặt cọc với chị H. Do một số nguyên nhân nên giao dịch không thành, Tiến hẹn ngày 1.8.2019 sẽ giao dịch lại với chị H.

Sáng 1.8, chị H. mang 500 triệu đồng đưa cho Tiến để lấy xe ô tô về. Sau đó, trước sự làm chứng của một số người, Tiến viết cam kết chuyển nhượng, thỏa thuận mua bán đồ gia bảo có giá 200 triệu USD với chị H. cùng nội dung cam kết đồ gia bảo có màu sắc tự nhiên, không sơn, nhuộm, làm rạn gương, đông thủy ngân, không chìm trong nước. Tiến yêu cầu chị H. đến ngày 5.8.2019 phải chứng minh có 5 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch mua bán.

Nhằm thực hiện giao dịch mua đồ gia bảo với Tiến và tiếp tục thử hàng như cam kết, chị H. đã đưa cho công ty của ông C. 300 triệu đồng tiền đối ứng để vay 5 tỷ đồng. Chị H. hẹn Tiến sáng 5.8 sẽ mang tiền đến chốt hàng. Biết chắc chị H. sẽ mang 5 tỷ đồng đến, Tiến bỏ trốn và bảo Lâm về quê ở Quảng Ninh để lấy cớ hết thời hạn cam kết chị H. không thực hiện được giao dịch mua bán rồi chiếm đoạt số tiền đặt cọc của chị H. Đúng hẹn đến không gặp, chị H. gọi điện thoại thì Tiến nói dối bị nhiễm phóng xạ từ vật gia bảo phải đi điều trị không thể thực hiện hợp đồng rồi tắt máy, vứt sim đã liên lạc đi. Biết mình bị lừa, hôm sau, chị H. có đơn trình báo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Sách. Ngày 25.10.2019, Tiến bị bắt khi đang lẩn trốn và Lâm bị bắt vào tháng 4.2020. Số tiền 500 triệu đồng chiếm đoạt được của chị H., Tiến cho Lâm 80 triệu, còn lại dùng chi tiêu cá nhân hết.

Tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án hình sự này, Tòa án Nhân dân tỉnh đã tuyên phạt Nhữ Minh Tiến 14 năm tù. Tổng hợp hình phạt trước đó, Tiến phải chịu án tù 23 năm 6 tháng. Hoàng Thanh Lâm bị phạt 10 năm tù. Trước đó, Lâm đã tự nguyện bồi thường 500 triệu đồng cho bị hại. Những người khác liên quan đến vụ việc không đủ căn cứ để xử lý. 

Đây là hình phạt thích đáng cho những kẻ lười lao động nhưng lại muốn có nhiều tiền để ăn chơi.

DANH TRUNG