Nét mới trong sản xuất vụ đông ở Bình Giang
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:42, 02/11/2020
Nông dân xã Tân Việt tranh thủ thời tiết khô ráo để trồng dưa chuột
Là địa phương có thế mạnh về sản xuất lúa chất lượng cao nhưng sản xuất vụ đông ở Bình Giang lại khá mờ nhạt. Hằng năm, huyện đều hoàn thành chỉ tiêu về diện tích trồng cây vụ đông tỉnh giao, từ 750-800 ha nhưng trong số đó chỉ chiếm khoảng 50% diện tích cây vụ đông được trồng trên đất lúa. Diện tích còn lại trồng trên đất chuyển đổi, vườn thửa nhỏ lẻ. Các xã trong huyện chưa xây dựng được những vùng sản xuất rau màu tập trung cho giá trị kinh tế cao. Thực trạng thiếu nhân lực trong sản xuất nông nghiệp nói chung và trong sản xuất vụ đông nói riêng tiếp tục là bài toán khó giải với địa phương. Bởi lẽ, đa số lao động trẻ trong huyện tìm kiếm công việc tại các doanh nghiệp. Ngoài ra, nhiều nông dân lo lắng thiên tai ảnh hưởng đến năng suất và tình trạng được mùa, mất giá đối với các loại cây vụ đông nên chưa mạnh dạn trồng...
Để khắc phục khó khăn, nâng cao giá trị sản xuất cây vụ đông, Bình Giang đã thực hiện nhiều giải pháp tạo động lực cho sản xuất nông nghiệp vụ đông của huyện phát triển. Huyện tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các hộ nông dân mượn, cùng hợp tác để tạo vùng sản xuất, mở rộng diện tích trồng cây vụ đông, trồng các loại cây rau màu cho giá trị kinh tế cao, thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm…
Ông Vũ Văn Luyện, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Giang cho biết, vụ đông 2020 là năm đầu tiên Bình Giang liên kết với Tập đoàn Biobee Việt Nam triển khai chương trình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm dưa chuột bao tử xuất khẩu, dự kiến trên 100 ha. Do ảnh hưởng của thời tiết mưa nhiều nên tiến độ bị chậm so với kế hoạch. Hiện tại, tận dụng thời tiết khô ráo, các xã đang khẩn trương gieo trồng cho kịp thời vụ.
Với tổng diện tích 40 ha, Tân Việt là một trong những xã trồng nhiều dưa chuột bao tử nhất huyện. Theo ông Vũ Đình Tuyết, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Tân Việt, những năm trước, trên cánh đồng các thôn chỉ lẻ tẻ vài hộ trồng bí, khoai lang. Có năm, Tân Việt trồng khoai tây diện tích lớn. Dù củ to, năng suất cao nhưng không bán được, khoai để thối nên nông dân dần không tha thiết với cây vụ đông nữa. “Sau nhiều năm, vụ này, Tân Việt mới có diện tích trồng cây vụ đông lớn như vậy. Nếu trồng dưa chuột bao tử xuất khẩu thắng lợi sẽ mở ra hướng đi mới cho sản xuất vụ đông của địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân", ông Tuyết nói.
Nông dân xã Cổ Bì chăm sóc rau vụ đông
Thu hoạch xong lúa mùa, gia đình ông Vũ Đức Thiển ở thôn Ô Xuyên, xã Cổ Bì khẩn trương làm đất để trồng rau vụ đông. Không chỉ trồng ở ruộng của gia đình, ông Thiển còn mượn ruộng của bà con trong thôn để canh tác. Trên tổng diện tích 8,2 ha, ông Thiển trồng gần 4 ha su hào, còn lại trồng cải bắp, su lơ, dưa chuột. Đến thời điểm này, gần 3 ha su hào của gia đình ông đã xuống giống. Có ruộng đã được thương lái đến đầu bờ đặt mua, cọc tiền trước. Theo tính toán của ông Thiển, cây vụ đông đem lại kinh tế cao gấp nhiều lần cấy lúa. Với giá bán su hào trung bình 2.500 đồng/củ, ông thu lãi từ 3,5-3,7 triệu đồng/sào. Nếu giá bán ổn định như hiện nay, ông ước tính vụ đông này sẽ thu lãi chừng 300-500 triệu đồng. Hộ ông Thiển là ví dụ điển hình về việc đã mạnh dạn mượn ruộng trồng cây vụ đông ở Bình Giang.
Trồng cây vụ đông mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập cao cho nông dân, đã và đang là hướng đi phù hợp, đúng đắn của nhiều huyện trong tỉnh. Hy vọng với những cách làm cụ thể, sản xuất vụ đông ở Bình Giang sẽ có bước phát triển, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.
Vụ đông năm 2020, Bình Giang dự kiến trồng trên 750 ha cây vụ đông. Trong đó, 150 ha ngô; 150 ha bí xanh, bí đỏ; 30 ha dưa hấu; 60 ha khoai tây; 360 ha rau các loại. Ngoài ra, huyện liên kết với Tập đoàn Biobee Việt Nam trồng trên 100 ha dưa chuột Nhật xuất khẩu. |
PV