Thế giới "nín thở" khi Mỹ bầu cử
Bình luận - Ngày đăng : 16:08, 02/11/2020
Theo báo New York Times, với việc Tổng thống Trump thực hiện chính sách đối ngoại có lợi cho một số nước nhưng cũng gây bất lợi cho số khác, cả hai nhóm quốc gia này đang chăm chú theo dõi bầu cử Mỹ để xem hướng đi tiếp theo của Washington.
"Nếu thế giới có thể bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 3.11, Israel sẽ là một trong những nơi đỏ nhất (tức nhuộm màu đỏ ủng hộ Đảng Cộng hòa) trên quả địa cầu" - báo New York Times mở đầu bài viết "Thế giới 'nín thở' trong lúc Mỹ chọn lãnh đạo".
New York Times bình luận như vậy vì nước Mỹ dưới thời ông Trump đã thực hiện nhiều chính sách có lợi cho Israel, gồm vai trò trung gian của Washington trong các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các quốc gia Ả Rập.
Nếu ứng viên Joe Biden chiến thắng, Thủ tướng Benjamin Netanyahu của Israel sẽ chịu sự mất mát đáng kể. Ông Sallai Meridor, cựu Đại sứ Israel tại Mỹ bình luận: "Chúng ta có thể mất đi những gì đã đạt được và có khả năng không đạt được thêm gì nữa".
Trong khi đó, người Đức đang ám ảnh với cuộc đối đầu Trump - Biden trên các trang báo hay trong một loạt phim tài liệu với những tiêu đề chỉ trích ông Trump. Còn người Úc đang đặt cược về kết quả bầu cử với tỷ lệ ủng hộ nghiêng mạnh về ông Biden.
Còn ở Ukraine, sau vụ Tổng thống Trump bị cáo buộc gây sức ép lên người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky mở cuộc điều tra nhằm vào cha con ông Biden, một số người lo rằng ông Trump có thể tiếp tục gây sức ép với ông Zelensky làm điều gì đó khác có lợi cho mình khi cuộc đua Trump - Biden đang diễn ra sít sao.
Tổng thống Trump đã có một loạt động thái có lợi cho Israel trong nhiệm kỳ của ông - Ảnh: New York Times
Tuy nhiên, New York Times bình luận: "Không quốc gia nào theo dõi bầu cử Mỹ mà lộ ra sự giận dữ và phẫn uất lớn hơn Trung Quốc. Căng thẳng về thương mại, công nghệ và dịch COVID-19 đã khiến quan hệ hai bên rơi xuống mức thấp nhất kể từ lúc Mỹ công nhận CHND Trung Hoa năm 1979".
Dẫu vậy, ít quan chức Trung Quốc nào dường như nuôi nhiều hy vọng tình hình sẽ cải thiện nếu ông Trump (74 tuổi) thất cử. Thay vào đó, căn cứ vào những lời nói chỉ trích Trung Quốc của ông Biden, phía Bắc Kinh dường như đang xem ông Biden (77 tuổi) là một thách thức còn rắc rối hơn.
Truyền thông và người dùng mạng Trung Quốc đã mô tả chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ là một cuộc chiến của "2 người già". Tờ Caijing (Tài Kinh) của Trung Quốc đặt câu hỏi: "Tại sao cuộc tranh luận Tổng thống Mỹ lại giống như trận cãi nhau ngoài chợ?".
Tuy nhiên, theo New York Times, lãnh đạo Trung Quốc dường như đang chỉ trích ông Trump. Vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu: "Trên thế giới hiện nay, bất kỳ chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ hay chủ nghĩa vị kỷ cực đoan đều sẽ không bao giờ có lợi".
Tại Nga, phần đông người dân nói rằng dù ông Trump hay ông Biden thắng cũng không có gì khác nhau. "Ông Trump là một tổng thống tốt đối với nước Nga nhưng điều đó không quan trọng. Hãy để Putin là tổng thống tốt đối với Nga" - Arsen P. Arutyunyan (25 tuổi), một người làm ăn nhỏ ở Matxcơva, chia sẻ.
Đối với người dân ở các nước Liên minh châu Âu (EU), kịch bản ông Trump tái đắc cử sẽ tái xác nhận Mỹ đang từ bỏ vai trò lãnh đạo trong quan hệ với các nước đồng minh, theo báo New York Times. Còn tại Anh lại có thái độ nước đôi, căn cứ vào việc ông Trump ủng hộ Anh rời EU (Brexit).
Hàn Quốc lập đội đặc nhiệm theo dõi
Tại Hàn Quốc, với việc lên tiếng khuyến khích các nỗ lực ngoại giao giữa ông Trump với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, chính quyền Tổng thống Moon Jae In dường như cho rằng sẽ có cơ hội cao đạt được bước đột phá nhờ vai trò của ông Trump thay vì chỉ là các cuộc đàm phán cấp thấp mà ông Biden có thể xúc tiến nếu thắng cử.
Hãng tin Yonhap ngày 2.11 dẫn lời các quan chức trong Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tiết lộ một lực lượng đặc biệt đã thành lập từ tháng 8.2020 dưới quyền của Thứ trưởng Choi Jong Kun để theo dõi và phân tích chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump và đối thủ Joe Biden.
"Chúng tôi phân tích các cam kết bầu cử của 2 ứng viên, đặc biệt là các chính sách đối ngoại, và quan điểm nền tảng của họ về các vấn đề chủ chốt, cũng như ảnh hưởng lên chúng tôi", một quan chức giấu tên cho biết.
Ngoài ra, Seoul cũng huy động nguồn lực ngoại giao để tiếp cận chiến dịch của 2 ứng viên nhằm tránh bị bất ngờ như năm 2016. Cũng như nhiều chính phủ và chuyên gia, Hàn Quốc không ngờ tới chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử trước và khá bối rối khi thiết lập mối quan hệ với phía tân tổng thống.
"Chúng tôi có lực lượng làm việc mỗi kỳ bầu cử Mỹ. Nhưng với kinh nghiệm năm 2016, một trong những mục tiêu của chúng tôi là chuẩn bị trước nhiều kịch bản và khả năng, về mặt ngoại giao, an ninh, kinh tế... để xây dựng cách tiếp cận", quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói.
Kể từ khi thành lập, lực lượng này họp định kỳ 2 tuần một lần, có sự tham dự trực tuyến của các phái đoàn ở Mỹ để báo cáo về khuynh hướng và tình hình thực tế cuộc bầu cử. Các nhân viên đại sứ quán và lãnh sự quán Hàn Quốc tại Mỹ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp cận các nhân vật trong chiến dịch tranh cử của 2 bên tại Mỹ.
Định hướng chính sách ngoại giao của tân chính quyền Mỹ rất quan trọng đối với Hàn Quốc trong bối cảnh đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc đang đặt ra nhiều thách thức. Washington là đồng minh quan trọng trong khi Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Seoul. Nó cũng có thể ảnh hưởng tới nỗ lực của chính quyền Tổng thống Moon Jae In trong vấn đề Bình Nhưỡng.
Theo Tuổi trẻ