Bàn về sáng kiến, kinh nghiệm
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:01, 06/11/2020
25 năm trong nghề, cô H. đã dạy dỗ hàng nghìn học sinh tiểu học ở huyện Ninh Giang. Mặc dù không tránh khỏi có lúc phải “đánh vật” với những học trò yếu kém, ngỗ nghịch nhưng mỗi giờ học, cô đều cố gắng tổ chức, dẫn dắt sao cho nội dung bài giảng diễn ra sinh động, cuốn hút. Không hiếm giờ học cô và trò cùng nhau thư giãn bằng những hoạt động vui vẻ, trí tuệ. Học sinh thích thú học, không có thời gian nói chuyện riêng.
Nghỉ hưu đã nhiều năm nhưng cô L. giáo viên dạy văn ở một trường THCS vẫn không khỏi day dứt khi nhắc đến một nữ sinh lớp 9. Trong một lần kiểm tra bài cũ, nữ sinh ấy không thuộc bài thơ do cô yêu cầu để có kiến thức khi làm bài. Giận học trò, cô mắng mỏ một hồi với thiện ý mong em này “ngấm đòn” mà chăm chỉ hơn. Không ngờ, sau khi cô vừa dứt lời “Không chịu khó học thì ở nhà!”, nữ sinh này lấy cặp sách, bước thẳng ra khỏi lớp trong sự ngỡ ngàng của cô giáo và các bạn. Từ hôm đó, em nghỉ hẳn ở nhà giúp cha mẹ việc đồng áng và chờ ngày… lấy chồng mặc cho thầy cô cùng bạn bè khuyên giải. Phải chi ngày ấy cô tinh tế hơn trong xử lý tình huống sư phạm, thấu hiểu hoàn cảnh gia đình em hơn… Cô thấm thía về mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn, giữa những giáo điều khô cứng với vô vàn tình huống sinh động hằng ngày.
Hai câu chuyện trên bộc lộ khoảng cách nhất định về trình độ, kỹ năng, sự sáng tạo khi xử lý tình huống sư phạm của giáo viên trong trường phổ thông hiện nay.
Câu chuyện thứ nhất cho thấy sự sáng tạo về chuyên môn, nghiệp vụ của những giáo viên tâm huyết. Giỏi chuyên môn chính là nguồn "nguyên liệu" quý góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Nếu một giáo viên trong cả đời dạy học không công bố được sáng kiến, kinh nghiệm nào thì rất khó trở thành giáo viên giỏi. Khi thầy cô không đau đáu, trăn trở trước những vấn đề đặt ra thì không thể có sự kiến giải sáng tạo, độc đáo về chuyên môn, nghiệp vụ.
Câu chuyện thứ hai thể hiện phần nào sự bất lực của cô giáo trong một tình huống ứng xử với học sinh là đối tượng không dễ bảo, có khi cá biệt. Điều đó không chỉ phụ thuộc vào tâm huyết mà còn ở cả cái tầm của cô giáo.
Cả hai cô giáo đều có thể rút ra những kinh nghiệm bổ ích, đề xuất các biện pháp hữu hiệu trong quá trình dạy học. Theo đó, viết sáng kiến, kinh nghiệm thực chất là tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học. Mặc dù vậy, thực tế nhiều cử nhân khoa học nhưng không viết nổi một bài báo khoa học, giáo viên ngữ văn nhưng ít viết văn. Độ “lỳ” của sự sáng tạo dường như tỷ lệ thuận với thâm niên nghề nghiệp. Chẳng hạn, một trong những biểu hiện của độ "lỳ” ấy là thường xuyên sử dụng giáo án cũ nếu chương trình không thay đổi.
Ngành giáo dục và đào tạo hay bất cứ ngành nào cũng vậy cần thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học, sáng tạo; có chế độ khen thưởng kịp thời đối với những người có sáng kiến áp dụng hiệu quả vào thực tế.
TRỊNH TUẤN ANH
(Ban Tuyên giáo Trung ương)