Cách mạng Tháng Mười Nga mở ra thời đại mới
Tin tức - Ngày đăng : 15:48, 06/11/2020
Lãnh tụ V.I. Lenin đã lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Mười Nga
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 là một trong những sự kiện vĩ đại nhất của thế kỷ XX, đánh dấu mốc mới trong lịch sử phát triển của nhân loại, đã tạo ra nhà nước của người lao động, thể hiện giấc mơ của toàn nhân loại.
Đóng góp vào tiến trình phát triển thế giới
Vào ngày 7.11.1917, theo tiếng súng báo hiệu từ chiến hạm Rạng Đông, cuộc tiến công Cung điện mùa Đông ở Petrograd bắt đầu và cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa vĩ đại dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Bolshevik Nga đứng đầu là V.I. Lenin đã giành thắng lợi ở Petrograd và nhanh chóng lan tỏa ra toàn nước Nga. Cuộc khởi nghĩa vũ trang lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản đã lập nên Nhà nước Xô Viết - nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới.
Cách mạng Tháng Mười Nga đã "làm rung chuyển thế giới", phá tan một mảng lớn trong hệ thống chủ nghĩa tư bản, đế quốc, mở ra một thời đại mới trong lịch sử nhân loại. Lần đầu tiên trong lịch sử, những người lao động đã đứng lên giành lấy chính quyền về tay mình để xây dựng một xã hội hoàn toàn mới. Một nhà nước kiểu mới dưới hình thức các Xô Viết đã hình thành và được Lenin đánh giá là "chế độ dân chủ ở mức cao nhất cho công nhân và nông dân... một chế độ dân chủ kiểu mới".
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười và sự ra đời của Nhà nước Xô Viết do Lenin sáng lập đã làm thay đổi căn bản số phận dân tộc Nga, đưa nước Nga từ một nước phong kiến, tư bản lạc hậu, nghèo đói trở thành một cường quốc kinh tế, chính trị, quân sự, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, giáo dục... hàng đầu thế giới; đưa quần chúng công-nông từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; vai trò, vị thế của nước Nga trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.
Không những vậy, thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã tiếp sức cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Nhiều đảng cộng sản và công nhân ở các nước đã ra đời, hình thành một phong trào quốc tế sâu rộng khắp năm châu, đi tiên phong trong cuộc đấu tranh của nhân loại tiến bộ vì lý tưởng cao đẹp là độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, một làn sóng cách mạng vô sản ở châu Âu đã bùng lên mạnh mẽ, tạo ra một cao trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, làm rung chuyển nền thống trị của giai cấp tư sản độc quyền ở nhiều nước. Một hệ thống xã hội chủ nghĩa đã ra đời, đóng vai trò to lớn trong tiến trình phát triển của thế giới hiện đại.
Cách mạng Tháng Mười Nga còn tác động mạnh mẽ đến đời sống chính trị-xã hội của nhiều quốc gia, dân tộc; đã thức tỉnh, cổ vũ các dân tộc thuộc địa bị áp bức và các nước phụ thuộc vùng dậy đấu tranh vì độc lập, tự do, đem lại niềm tin và niềm hy vọng về khả năng tự giải phóng. Giai cấp công nhân và nhân dân lao động tại hàng loạt nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ-Latinh đã nổi dậy đấu tranh giành độc lập dân tộc; hàng trăm triệu người được giải phóng khỏi xiềng xích nô lệ, tạo thành một phong trào giải phóng dân tộc mạnh mẽ trên toàn cầu.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, những thành tựu của chế độ Xô Viết và chiến thắng của Liên Xô trong Chiến tranh Thế giới thứ II cũng đã thức tỉnh và cổ vũ phong trào đấu tranh vì dân sinh, dân chủ và tiến bộ xã hội ở chính ngay các nước tư bản phát triển, buộc chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc cũng phải có những điều chỉnh để thích nghi, tồn tại. Đúng như Lenin đã khẳng định: "Cuộc Cách mạng Tháng Mười của chúng ta đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử thế giới".
Việt Nam kiên định lý tưởng xã hội chủ nghĩa
Thực tiễn dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lenin và Cách mạng Tháng Mười Nga, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy ở đây “Cẩm nang thần kỳ” là con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Và theo tiếng gọi của Cách mạng Tháng Mười Nga, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, cách mạng Việt Nam đã đi theo quỹ đạo của chủ nghĩa xã hội. Nhân dân Việt Nam đã làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám1945. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trên cơ sở chọn lọc những yếu tố tích cực của mô hình tổ chức nhà nước Xô Viết, đã đồng hành cùng nhân dân vững vàng bước vào cuộc trường chinh và giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp sau 9 năm trường kỳ (1946-1954). Miền Bắc được giải phóng và tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn miền Nam trong hành trình tiếp tục tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, sau 21 năm trường kỳ kháng chiến (1954-1975), cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy gian khó của nhân dân Việt Nam đã giành thắng lợi hoàn toàn; cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.
Sau hơn 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế và uy tín trên trường quốc tế. Từ chỗ bị bao vây, cấm vận và hầu như chỉ có quan hệ với các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng và toàn diện. Việt Nam còn là thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong nhiều tổ chức khu vực và quốc tế, có vai trò, tiếng nói ngày càng quan trọng trong ASEAN, Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Liên hợp quốc…
Những thành quả sau hơn 30 năm đổi mới đất nước đã góp phần chứng minh tính đúng đắn và phù hợp của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Việt Nam. Đó cũng là minh chứng cho sự đúng đắn và phù hợp của con đường cách mạng mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn.
Theo TTXVN