Hiệu quả đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin
Kinh tế - Ngày đăng : 17:58, 06/11/2020
Hệ thống đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin được lắp đặt điểm tại xã Hồng Phong (Nam Sách) hoạt động hiệu quả
Ưu điểm
Đài truyền thanh(ĐTT) ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) sử dụng phương thức truyền dẫn tín hiệu âm thanh trên hạ tầng viễn thông, internet, có khả năng quản lý, kiểm soát chất lượng tín hiệu tới từng cụm loa. Tại Hải Dương, hệ thống này đã được Bộ Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn Vingroup tài trợ lắp đặt 2 mô hình điểm tại xã Hồng Phong (Nam Sách) và phường Trần Phú (TP Hải Dương). Hệ thống bao gồm máy tính, micro, loa công suất 25W/loa, phần mềm quản lý và bộ thu phát truyền thanh internet sử dụng sim 3G, 4G để thu phát chương trình. "Sau nửa tháng đưa vào sử dụng, hệ thống này hoạt động ổn định, hiệu quả. Trang thiết bị nhỏ gọn, chất lượng âm thanh tốt, phần mềm sử dụng hiện đại, dễ dùng", ông Vương Văn Sáng, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Hồng Phong cho biết.
Theo chị Nguyễn Thị Kim Oanh, cán bộ văn hoá, thông tin phường Trần Phú, với hệ thống ĐTT ứng dụng CNTT, cán bộ kỹ thuật có thể lập lịch cho đài phát tự động một cách dễ dàng thông qua máy tính hoặc điện thoại thông minh. Việc quản lý đài, nội dung thông tin phát cũng được phân cấp rõ ràng. Ngoài ra, hệ thống còn giúp chuyển đổi bản tin giấy sang giọng nói. Nếu có sự cố hỏng hóc, hệ thống sẽ gửi thông báo về máy tính để người dùng nắm được. Nhờ đó, cán bộ kỹ thuật có thể ngồi một chỗ để kiểm tra, kiểm soát hiện trạng cơ sở vật chất, thay vì phải đến tận nơi như trước đây.
Hệ thống ĐTT ứng dụng CNTT còn có nhiều ưu điểm khác như không giới hạn khoảng cách truyền tín hiệu âm thanh, khắc phục được các lỗi xảy ra với các hệ thống tiếp âm sóng FM như bị nhiễu, sóng không ổn định do thời tiết. Ngoài ra, hệ thống này còn có thể quản lý, vận hành tập trung thông qua website quản trị và lựa chọn, giám sát, vận hành thiết bị cụm thu phát truyền thanh từ xa; cho phép nhiều hệ thống khác dùng chung hệ thống truyền thanh cơ sở thông qua việc phân quyền, phân cấp bằng phần mềm quản trị...
Sẽ nhân rộng
Toàn tỉnh hiện có 4 ĐTT cơ sở sử dụng hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT hiện đại gồm các phường Tứ Minh, Trần Phú (TP Hải Dương), các xã Hiệp Hoà (Kinh Môn) và Hồng Phong (Nam Sách). Các ĐTT còn lại chủ yếu sử dụng hai loại công nghệ truyền thanh hữu tuyến (có dây) và truyền thanh vô tuyến (không dây, FM), nhưng trong bối cảnh CNTT phát triển, hai công nghệ truyền thanh này đã lạc hậu.
Ông Lê Tuấn Việt, Trưởng Phòng Bưu chính viễn thông (Sở Thông tin và Truyền thông) cho biết hiện nay, hầu hết nội dung thông tin tại các ĐTT cơ sở chưa phong phú. Cách thức truyền tải thông tin chủ yếu một chiều. Trình độ nhân lực làm công tác thông tin cơ sở còn hạn chế do không đúng chuyên môn, nghiệp vụ, chế độ đãi ngộ thấp nên tính ổn định không cao. Lâu dài sẽ ảnh hưởng đến công tác thông tin, tuyên truyền. Do đó, việc ứng dụng CNTT vào hoạt động ĐTT là cần thiết, góp phần giải bài toán thiếu nhân lực.
Sở Thông tin và Truyền thông đang xây dựng Đề án "Nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng CNTT tại tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025". Dự kiến đến năm 2025, 100% số ĐTT cơ sở được đầu tư cải tạo, nâng cấp, ứng dụng CNTT và hệ thống trang thiết bị quản lý tập trung. Phấn đấu mỗi ĐTT cấp xã sẽ được trang bị hệ thống máy vi tính kết nối internet và mạng số liệu chuyên dùng để phục vụ biên soạn nội dung phát sóng, chương trình phát thanh.
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực tham mưu cho UBND tỉnh kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống thông tin cơ sở. Tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành các hướng dẫn cụ thể về chuyên môn nghiệp vụ đối với hệ thống thông tin cơ sở...", ông Phạm Huy Thắng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết.
ĐỖ QUYẾT