Chuẩn bị sơ tán hơn 400.000 người tránh bão số 12
Xã hội - Ngày đăng : 14:28, 09/11/2020
Sáng 9.11, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp sau khi áp thấp nhiệt đới đi vào biển Đông và mạnh lên thành bão số 12.
Nhận định ban đầu của cơ quan khí tượng cho thấy do ảnh hưởng của bão các tỉnh Nam Trung Bộ có mưa lớn trên diện rộng từ ngày 9.11.
Bão đổ bộ vào Bình Định đến Khánh Hòa
Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết rạng sáng nay (9.11), tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 180 km về phía bắc. Sức gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10. Khu vực nằm trong bán kính 110 km tính từ tâm bão có thể chịu gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên.
Ngày và đêm nay, bão đi theo hướng tây, vận tốc 20 km/h và có khả năng mạnh thêm. Rạng sáng 10.11, tâm bão cách bờ biển các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận khoảng 120 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất cấp 9, giật cấp 11.
"Khi vào khu vực ven bờ các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, gió bão có thể đạt cấp cấp 8 giật cấp 11. Thời gian đổ bộ dự kiến sáng 10.11”, ông Khiêm nói.
Dự báo đường đi của bão số 12 trong những ngày tới. Ảnh: VNDMS |
Về mưa do bão, từ chiều 9.11 đến 12.11, các tỉnh từ Quảng Trị đến phía bắc Khánh Hòa có mưa phổ biến 200-400 mm/đợt, có nơi trên 400 mm; Quảng Bình, nam Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên có mưa phổ biến 100-200 mm/đợt.
Từ đêm ngày 9- 13.11, trên các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, bắc Tây Nguyên ở mức báo động 2, báo động 3, có sông trên báo động 3. Các sông ở Quảng Bình và khu vực Nam Tây Nguyên ở mức báo động 1, báo động 2, có sông trên báo động 2.
Bắn pháo hiệu khi có bão tại 10 điểm
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6 giờ ngày 9.11, gần 60.000 tàu, thuyền đã được thông báo về diễn biến của bão để di chuyển thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Hiện còn 4 phương tiện với 29 người của tỉnh Bình Định đang hoạt động trong vùng ảnh hưởng của bão.
Tỉnh Khánh Hòa dự kiến cấm biển từ 18 giờ ngày 9.11, các địa phương khác đang xem xét thời gian cấm biển tùy theo diễn biến của bão.
Trên bờ, hiện đã lên kế hoạch sẵn sàng di dân tương ứng với kịch bản bão cấp 8-11 với 403.426 người. Trong đó: Bình Định 64.530 người, Phú Yên 107.371 người, Khánh Hòa 151.349 người, Ninh Thuận 38.116 người và Bình Thuận 42.060 người. Các địa phương chưa có kế hoạch cho học sinh nghỉ học. Dự kiến bắn pháo hiệu khi có bão tại 10 điểm.
Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai chỉ đạo tại buổi họp |
Kết luận cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết hiện nay, chúng ta không chỉ bàn phương án ứng phó với bão số 12 và cần chuẩn bị ứng phó với cơn bão tiếp theo có thể vào biển Đông có sức gió lớn hơn.
Dự báo khoảng đêm 11.11 đến rạng sáng 12.11, áp thấp nhiệt đới này sẽ mạnh lên thành bão và đi vào Biển Đông. Khoảng ngày 14.11, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Trung Bộ. Theo nhận định, bão sẽ đạt cường độ cấp 11 trên biển.
“Các biện pháp phòng, chống cần thực hiện với tâm thế đối phó với 2 cơn bão chứ không chỉ riêng bão số 12”, ông Hoài nói.
Lãnh đạo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai nhấn mạnh các địa phương, cơ quan chức năng cần rà soát chặt các lồng bè nuôi trồng thủy hải sản bởi đây là khu vực tập trung nhiều người dân còn chủ quan, cần có đoàn xuống kiểm tra liên tục. Ngoài ra, cần thông báo kịp thời cho các đảo để khách du lịch sớm trở về bờ. Việc chuẩn bị nhu yếu phẩm, thuốc men cũng được nhấn mạnh bởi đợt thiên tai này có thể kéo dài nhiều ngày.
“Hiện nay số lượng nhà dân bị sập đổ sau bão thời gian qua chưa khôi phục được, vì vậy cần đảm bảo an toàn, sinh hoạt cho người dân. Đồng thời, tăng cường trực ban, theo dõi sát tình hình thiên tai để chỉ đạo, sẵn sàng tổ chức các đoàn công tác tiền phương ứng phó với bão”, ông Trần Quang Hoài nói.
Theo Zing