Xây dựng Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam thịnh vượng và phát triển bền vững

Tư liệu - Ngày đăng : 13:16, 12/11/2020

Trong khuôn khổ của hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan, ngày 13.11.2020 sẽ diễn ra hội nghị cấp cao khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 11 (CLMV 11).

Đây là lần thứ 4 Việt Nam tổ chức hội nghị cấp cao CLV và sự kiện này được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng cường đoàn kết và hợp tác giữa ba nước CLV để bảo đảm an ninh, ổn định chính trị, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực.

Không ngừng mở rộng, đi vào chiều sâu

Khu vực Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV) nằm ở ngã ba biên giới của ba nước CLV. Sáng kiến thành lập Tam giác phát triển CLV do Thủ tướng Chính phủ Campuchia Hun Sen đưa ra tại Hội nghị cấp cao 3 Thủ tướng Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ nhất tại Viêng Chăn, Lào (ngày 20.10.1999), trên cơ sở phát huy tiềm năng và thế mạnh của mỗi nước và nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Lào và Thủ tướng Việt Nam.

Mục tiêu của việc hình thành CLV là tăng cường đoàn kết và hợp tác ba nước nhằm bảo đảm an ninh, ổn định chính trị, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực. Hợp tác CLV tập trung vào các lĩnh vực: an ninh-đối ngoại, giao thông vận tải, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, đầu tư, các lĩnh vực xã hội và bảo vệ môi trường…

Khi quyết định thành lập vào năm 1999, Tam giác phát triển khu vực biên giới CLV bao gồm 10 tỉnh là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắc Nông (Việt Nam); Sekong, Attapeu, Saravan (Lào) và Stung Treng, Rattanak Kiri, Mondul Kiri (Campuchia). Đến năm 2009, ba nước nhất trí bổ sung thêm 3 tỉnh là tỉnh Bình Phước (Việt Nam), tỉnh Kratie (Campuchia) và tỉnh Champasak (Lào) vào Tam giác phát triển CLV. Đây là 13 tỉnh cao nguyên nằm ở khu vực biên giới của ba nước, có nhiều nét tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội; trình độ phát triển của các tỉnh trong khu vực nhìn chung thấp hơn so với mức độ trung bình mỗi nước, sản xuất nông nghiệp còn chiếm một tỷ trọng cao. Các tỉnh trong khu vực này hầu như đều có đường biên giới chung từng đôi một và đã hình thành các cặp cửa khẩu giữa các tỉnh, đây là một điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát triển giữa các tỉnh trong khu vực trong khi điều kiện kinh tế xã hội còn thấp kém.

Không chỉ mở rộng về diện tích địa lý, Tam giác phát triển CLV cũng không ngừng có thêm các cơ chế mới, thông qua các Hội nghị cấp cao định kỳ, để sự hợp tác ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu. Nhằm tiếp tục đẩy mạnh cơ chế hợp tác Tam giác phát triển CLV, bên cạnh các Hội nghị cấp cao, ba nước CLV còn nhất trí thành lập Ủy ban điều phối chung Tam giác phát triển với 4 tiểu ban: Kinh tế, Xã hội-Môi trường, Địa phương, An ninh-Đối ngoại. Mỗi nước cử một Bộ trưởng làm đồng Chủ tịch Ủy ban và ủy viên Ủy ban điều phối gồm đại diện các Bộ, ngành liên quan và các tỉnh trong Tam giác. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam giữ vai trò đồng Chủ tịch Ủy ban.

Là một bộ phận cấu thành, Việt Nam luôn tích cực, chủ động đóng góp vào việc thúc đẩy hợp tác trong cơ chế CLV, nhất là mở rộng quy mô hợp tác Tam giác phát triển. Thời gian qua, Việt Nam luôn tích cực cùng Lào và Campuchia xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội khu vực TGPT giai đoạn 2010-2020. Bên cạnh đó, là nền kinh tế nổi bật trong khu vực, Việt Nam cũng thể hiện vai trò chủ động dẫn dắt trên tinh thần hợp tác bình đẳng, coi trọng tình nghĩa, truyền thống hợp tác giữa nhân dân ba nước anh em.

Kết quả hợp tác CLV qua các kỳ hội nghị cấp cao

- Hội nghị cấp cao CLV lần thứ nhất (tại Viêng Chăn, Lào, 10.1999) nhất trí sáng kiến thành lập Tam giác phát triển của Thủ tướng Chính phủ Campuchia Hun Sen trên cơ sở phát huy tiềm năng và thế mạnh của mỗi nước và nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Lào và Thủ tướng Việt Nam.

- Hội nghị cấp cao CLV lần 2 (tại TP Hồ Chí Minh, Việt Nam, 2002) xác định ưu tiên triển khai hợp tác trên các lĩnh vực giao thông vận tải, thương mại, điện lực, du lịch, đào tạo nguồn nhân lực và y tế. Thủ tướng của ba nước CLV khẳng định quyết tâm xây dựng Tam giác phát triển tại khu vực biên giới ba nước và coi đây là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong việc hợp tác phát triển giữa ba nước.

- Hội nghị cấp cao CLV lần 3 (tại Siem Reap, Campuchia, 2004) khẳng định vai trò hết sức quan trọng của Tam giác CLV và nhất trí phối hợp phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, xúc tiến hàng loạt dự án. Nhân dịp hội nghị cấp cao ASEAN 10, ngày 28.11.2004, Thủ tướng ba nước đã ký Tuyên bố Viêng Chăn về xây dựng Tam giác phát triển và thông qua Quy hoạch tổng thể Tam giác phát triển.

- Hội nghị cấp cao CLV lần 4 (tại Đà Lạt, Việt Nam, 2006) thông qua việc thành lập Ủy ban điều phối chung; nhất trí tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư, tăng cường phối hợp trong huy động nguồn lực bên ngoài, nhất là từ Nhật Bản.

- Hội nghị cấp cao CLV lần 5 (tại Viêng Chăn, Lào, 2008) nhất trí thúc đẩy triển khai công tác của các nhóm chuyên gia, kỹ thuật.

- Hội nghị cấp cao CLV lần 6 (tại Phnôm Pênh, Campuchia, 2010) đã xem xét và thông qua Bản Quy hoạch lại khu vực Tam giác Phát triển đến năm 2020 do Bộ Kế hoạch đầu tư Việt Nam chủ trì xây dựng thay thế cho bản Quy hoạch cũ năm 2004. Các Thủ tướng đã ký Tuyên bố chung của Hội nghị và chứng kiến lễ ký điều chỉnh Bản ghi nhớ về Chính sách ưu đãi cho khu vực Tam giác phát triển giữa ba Chủ tịch Uỷ ban điều phối.

- Hội nghị cấp cao CLV lần 7 (tại Viêng Chăn, Lào, 2013), Thủ tướng ba nước đã ký Tuyên bố chung về hợp tác khu vực Tam giác phát triển CLV khẳng định cam kết phát triển khu vực Tam giác thành một điển hình trong hợp tác khu vực của ba nước CLV; nhất trí đẩy mạnh huy động nguồn lực, trong đó có vận động các nhà tài trợ để phát triển hạ tầng giao thông, năng lượng.

- Hội nghị cấp cao CLV 8 (tại Viêng Chăn, Lào, 11.2014) đã nhất trí một số điểm chính sau: Ủng hộ đề xuất của Việt Nam về mở rộng quy mô hợp tác Tam giác phát triển CLV thông qua tăng cường kết nối ba nền kinh tế (không chỉ giới hạn ở 13 tỉnh biên giới khu vực Tam giác phát triển CLV) trên các lĩnh vực như giao thông, viễn thông, điện lực, du lịch, ngân hàng…; giao Ủy ban điều phối chung xây dựng Đề án kết nối ba nền kinh tế CLV để trình lên Hội nghị cấp cao CLV 9; ủng hộ đề xuất của Việt Nam về xây dựng Quy hoạch phát triển ngành du lịch khu vực Tam giác phát triển CLV nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển du lịch ba nước; giao các Bộ Nông nghiệp ba nước trao đổi và hoàn thiện Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp cao su khu vực Tam giác phát triển CLV để trình Hội nghị Uỷ ban điều phối chung lần thứ 10; đẩy nhanh việc xây dựng thoả thuận giữa ba nước về chính sách ưu đãi đặc biệt cho khu vực Tam giác phát triển CLV trên cơ sở kết hợp các thoả thuận song phương và đa phương hiện có.

Hưởng ứng đề xuất của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về mở rộng hợp tác giữa ba nước, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã đề nghị các chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng đồng nội tệ trong giao dịch thanh toán thương mại, đầu tư giữa ba nước và áp dụng mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng” tại cửa khẩu Mộc Bài - Ba Vẹt.

- Hội nghị cấp cao CLV 9 (tại Siem Reap, Campuchia, 11.2016) đã tập trung rà soát tình hình triển khai các quyết định của hội nghị cấp cao CLV 8 và trao đổi về định hướng hợp tác trong thời gian tới về kết nối ba nền kinh tế, phát triển ngành công nghiệp cao su, du lịch, hợp tác môi trường. Hội nghị cũng giao Ủy ban điều phối chung hoàn thành “Kế hoạch hành động về kết nối ba nền kinh tế đến năm 2030” trong năm 2017.

- Hội nghị cấp cao CLV 10 (tại Hà Nội, Việt Nam, 3.2018) đã rà soát về tình hình triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội Khu vực Tam giác phát triển CLV đến năm 2020 và việc thực thi các quyết định của Hội nghị cấp cao CLV; thảo luận về hướng đi của hợp tác CLV trong giai đoạn tới. Ba Thủ tướng đã ký Tuyên bố chung về hợp tác Khu vực Tam giác phát triển CLV, cam kết thúc đẩy hơn nữa hợp tác toàn diện giữa ba quốc gia, góp phần xây dựng các nền kinh tế CLV hội nhập, bền vững, thịnh vượng và là một bộ phận không thể thiếu của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Các nhà lãnh đạo đã thông qua Kế hoạch tổng thể và kết nối ba nền kinh tế CLV đến năm 2030. Kế hoạch hợp tác gồm những định hướng lớn thúc đẩy hợp tác kết nối về hạ tầng cơ sở, kết nối về thể chế, kinh tế và giao lưu nhân dân.

Theo TTXVN