Bão vào Quảng Bình - Thừa Thiên Huế, mưa lớn, cây bật gốc, trường học tốc mái

Môi trường - Ngày đăng : 06:02, 15/11/2020

Lúc 8 giờ sáng nay 15.11, tâm bão số 13 ngay trên vùng biển các tỉnh Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế. Sức gió mạnh nhất cấp 8-9, giật cấp 12. Miền Trung đã có mưa lớn 100-150mm.

Bão vào miền Trung, mưa lớn, cây bật gốc, trường học tốc mái - Ảnh 1.
Một trường tiểu học ở xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế bị gió bão tốc bay mái 

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 13, tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11; trên đất liền ven biển Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9-10. Ở các tỉnh Trung Trung Bộ đã có mưa to với lượng mưa phổ biến 100-150mm.

Đến gần 9 giờ sáng 15.11, mưa lớn và gió bão đã bắt đầu nổi lên tại khu vực ven biển huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ghi nhận tại khu vực xã Hưng Thủy, gió giật từng đợt kèm mưa lớn khiến cây cối nghiêng ngã, nhiều ngôi nhà đang "gồng mình" chống chịu gió bão. Một số nhà bằng tôn đã có dấu hiệu bị tốc. 

Người dân địa phương ở những nhà thiếu kiên cố hiện đã được di dời. Tuy nhiên, sức gió hiện đang rất lớn, chưa biết những ngôi nhà ở khu vực này có thể chống chịu được ở mức nào. Ở thời điểm này, mây đen cũng đang bị hút dần về phía nam.

Trưa 15.11, ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, Quảng Trị nhiều hàng quán sầm uất trước đây tan hoang sau bão. Ngoài biển một vệt dài rừng dương khoảng 2km bi sóng ngoạm, cây dương trơ gốc trôi ra biển.

Sức mạnh của trận bão rõ rệt nhất khi hai tàu hàng to lớn bị sóng đánh dạt vào bờ.

Bão vào miền Trung, mưa lớn, cây bật gốc, trường học tốc mái - Ảnh 2.
Tàu hàng lớn bị sóng đánh dạt vào bờ 

Nhà cửa, trường học tốc mái, cây xanh ngã đổ

Lúc 8 giờ 30 sáng 15.11, tại khu vực ven biển của hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) trời mưa lớn và có gió giật mạnh. Một số căn nhà tạm, quán xá bị tốc mái hoặc bay biển quảng cáo. 

Hai tàu vận tải bị trôi dạt vào bờ tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh vẫn an toàn, tất cả thuyền viên đã được di chuyển đến nơi trú ẩn mới. 

Lúc này bão đã đổ bộ vào vùng biển dọc các xã Vĩnh Thái, Vĩnh Giang, Kim Thạch nên không ai được phép ra khỏi nhà, đường xá vắng tanh. 

Tàu bị trôi vào bờ tại vùng biển thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị 

Trên tuyến đường nối từ thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh đến thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh có rất nhiều cây xanh ngã đỗ chắn ngang nên các phương tiện giao thông không thể qua lại được.

Riêng tuyến đường từ quốc lộ 1 chạy về thị trấn Cửa Tùng một số nơi đã bị ngập, chính quyền địa phương đã có cảnh báo hạn chế người và phương tiện qua lại.

Lúc 6 giờ sáng, tại TP Huế có gió mạnh, đã có một số cây xanh ngã, bật gốc. Tại xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế, một trường tiểu học bị gió bão thổi bay mái.

Bão vào miền Trung, mưa lớn, cây bật gốc, trường học tốc mái - Ảnh 2.
Sơ đồ dự báo bão số 13. Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia phát lúc 5 giờ sáng 15.11

Nghệ An đến Quảng Nam có nơi mưa trên 250mm

Trước đó lúc 4 giờ sáng 15.11, tâm bão cách Đà Nẵng khoảng 89km, Thừa Thiên Huế khoảng 55km, Quảng Trị khoảng 88km. Sức gió mạnh nhất cấp 9 (75-90km/h), giật cấp 11.

Còn vào 1 giờ sáng, tâm bão cách Đà Nẵng khoảng 70km, cách Thừa Thiên Huế khoảng 100km, cách Quảng Trị khoảng 150km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/h), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15-20km đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 13 giờ ngày 15.11, tâm áp thấp nhiệt trên đất liền từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/h), giật cấp 8.

Trong 12-24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. 

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ) có mưa bão, gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10, giật cấp 12; sóng biển cao 6-8m, biển động dữ dội. Vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) gió Đông Bắc mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao 2-4m; biển động mạnh.

Ven biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng có khả năng nước dâng do bão cao 0,5-1,0m. Nguy cơ ngập úng xảy ra ở vùng trũng thấp ven biển, cửa sông, đầm phá tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng.

Trên đất liền từ phía Nam Nghệ An đến Đà Nẵng gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11.

Từ ngày 15-16.11, từ phía Nam Nghệ An đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 100-180mm, có nơi trên 250mm; ở Bắc Nghệ An và Thanh Hóa có mưa to với lượng mưa từ 50-150mm.


Gió bão hất bay mái tôn của nhiều nhà dân ở khu vực thị xã Thuận An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế ra đường


Cây xanh bật gốc ở TP Huế rạng sáng 15.11 


Cây xanh bật gốc ở TP Huế rạng sáng 15.11 


Cây xanh bật gốc ở TP Huế rạng sáng 15.11


Tại huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị đang mưa to, gió lớn. Nhiều cây đổ, nhà bay mái tôn 


Tại huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị đang mưa to, gió lớn. Nhiều cây đổ, nhà bay mái tôn 

Dân vùng sạt lở núi Trà Leng lại sơ tán tránh bão trong đêm tối

 - Ảnh 1.
Người dân xã Trà Leng, huyện Nam Trà My được sơ tán đến điểm trường tránh bão trong tối 14.11 

Tối 14.11, tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam, nơi từng xảy ra vụ sạt lở núi làm hàng chục người chết và mất tích, hàng nghìn người dân ở nơi có nguy cơ sạt lở núi, lũ quét đã được sơ tán đến các điểm trường trú bão.

Tại điểm Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Leng, hàng trăm người dân đã gùi áo quần, đùm đề con cái đến điểm trường này để trú bão.

Nhiều người dân cho biết rất sợ hoàn lưu của bão gây mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét nên từ chiều 14.11, họ đã phải thực hiện sơ tán đến điểm trường này trú bão.

Đây là lần thứ ba người dân Trà Leng sơ tán, trước đó bão số 9 và số 10 họ cũng tất bật di dời, sơ tán trong đêm để tránh bão, né sạt lở núi.

 - Ảnh 2.
Trẻ em được đưa đi tránh bão 


Còn tại TP Hội An, Quảng Nam, bà Phạm Thị Mỹ Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, TP Hội An cho biết chính quyền đã sơ tán 1.090 người dân ở những nơi sát chân núi, nhà bán kiên cố, xập xệ đến 20 điểm trú ẩn an toàn như đồn Biên Phòng, nhà trú bão, trụ sở.

Theo số liệu, đến chiều 14.11 huyện Nam Trà My đã sơ tán tập trung hơn 1.200 hộ với 4.200 nhân khẩu đến nơi an toàn trú bão. Còn toàn tỉnh Quảng Nam tính đến 17 giờ cùng ngày đã sơ tán tổng cộng 23.687 hộ với 71.840 nhân khẩu. 

Theo Tuổi trẻ