Vướng mắc giải phóng mặt bằng khu dân cư phía bắc thị trấn Thanh Hà

Kinh tế - Ngày đăng : 11:53, 17/11/2020

Dự án xây dựng khu dân cư phía bắc thị trấn Thanh Hà được UBND huyện triển khai thực hiện từ năm 2018 nhưng đến nay vẫn "giậm chân tại chỗ" do vướng mắc giải phóng mặt bằng.


Khu vực xây dựng dự án khu dân cư phía bắc thị trấn Thanh Hà vẫn chưa được giải phóng mặt bằng

37 trong tổng số 89 hộ chưa đồng ý

Khu dân cư phía bắc thị trấn Thanh Hà có diện tích quy hoạch hơn 13,7 ha thuộc thôn Nhân Lư, xã Cẩm Chế với tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất. Dự án được huyện Thanh Hà phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2016, được HĐND tỉnh chấp thuận thu hồi đất tại Nghị quyết số 16/2016/NQ-HĐND năm 2016 và được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất huyện Thanh Hà các năm 2018, 2019 và 2020. Diện tích thu hồi là đất 721 (đất nông nghiệp giao lâu dài cho nông dân theo Quyết định 721-QĐ/UB ngày 25.2.1993 của UBND tỉnh Hải Hưng cũ). Theo kế hoạch, dự án được thực hiện từ năm 2018-2020, chia làm 2 giai đoạn, song đến thời điểm này ngay cả giai đoạn 1 cũng chưa thực hiện được.

Chị Phạm Thị Thủy ở thôn Nhân Lư hiện có khoảng 1.000m2 đất nằm trong diện phải giải tỏa, thu hồi mặt bằng cho dự án. Nếu theo đúng kế hoạch, giai đoạn 1 của dự án sẽ phải thu hồi 475 m2 đất của gia đình chị, giai đoạn 2 thu phần còn lại. Cách đây 20 năm, vợ chồng chị chuyển ra khu đất này sinh sống, chăn nuôi, buôn bán. Chị Thủy cho biết hiện gia đình chị không có đất thổ cư, nếu thu hồi mảnh đất này gia đình sẽ không còn chỗ nào để ở. Chị Thủy mong muốn các cơ quan chức năng nếu giải phóng mặt bằng thì bố trí tái định cư cho gia đình chị mà không phải nộp quá nhiều tiền.

Khu đất dự án nằm ven đường 390B nên thuận lợi cho một số hộ kinh doanh, buôn bán. Ngoài gia đình chị Thủy, nhiều hộ ở đây cũng không đồng ý giải phóng mặt bằng khiến dự án chậm gần 3 năm. Trong tổng số 89 hộ dân có đất liên quan đến dự án, mới có 52 hộ chấp thuận kiểm kê đất đai, tài sản, phương án bồi thường. 37 hộ còn vướng mắc, chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ; chưa ký phương án bồi thường; chưa đồng ý cho kiểm kê tài sản, cây cối, hoa màu, chưa ký biên bản...

Ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch UBND xã Cẩm Chế cho biết nhiều người còn băn khoăn vì khi Nhà nước thu hồi đất, giá đền bù cho người dân thấp nhưng khi tổ chức đấu giá thì giá cao gấp nhiều lần nên người dân cảm thấy thiệt thòi.

Đề nghị cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc

Trước khi triển khai dự án, huyện Thanh Hà đã thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tổ chức họp, phổ biến chủ trương, chế độ chính sách tới các gia đình có đất, tài sản thuộc dự án. Huyện đã thành lập các tổ tuyên truyền, tổ chức nhiều cuộc họp với người dân khu vực này nhưng chỉ số ít người tham gia. UBND xã Cẩm Chế đã gửi thông báo thu hồi đất đến từng hộ đồng thời niêm yết công khai, thông báo trên loa truyền thanh của địa phương. Huyện cũng cử cán bộ chuyên môn phối hợp với cán bộ xã đến từng nhà vận động nhân dân ở khu này chấp hành Luật Đất đai, chế độ, chính sách bồi thường, hỗ trợ, đồng thời tổ chức đối thoại với người dân để giải quyết vướng mắc nhưng vẫn không cải thiện được tình hình.

Ông Trần Văn Tâm, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Hà cho biết việc chậm tiến độ dự án ảnh hưởng tới việc đầu tư xây dựng tại địa phương. Huyện đã có tờ trình đề nghị tỉnh cho chủ trương cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc đối với các gia đình chưa đồng ý kiểm kê đất đai, tài sản gắn liền với đất. Khi có ý kiến chỉ đạo của tỉnh, huyện sẽ khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng xong trong năm nay.

Khu vực triển khai dự án là vùng đất trũng trồng cây lâu năm năng suất thấp, hiệu quả không cao, trong khi đó nhu cầu đất ở của nhân dân ngày càng cao. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng khu dân cư phía bắc thị trấn Thanh Hà là cần thiết. Đây được xác định là một trong những công trình trọng điểm của huyện, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.


MINH NGUYỆT