''Là con gái để tỏa sáng'': Đêm nhạc giúp nâng cao vị thế của phụ nữ
Xem - Nghe - Đọc - Ngày đăng : 14:24, 17/11/2020
Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam cùng nhạc trưởng Honna Tetsuji sẽ biểu diễn trong chương trình ''Là con gái để tỏa sáng''
Những bản nhạc kinh điển của Mozart, Bach và Tchaikovsky sẽ vang lên trong khán phòng Nhà hát Lớn ngày 27.11 nhân buổi hòa nhạc đặc biệt mang tên “Là con gái để tỏa sáng”.
Chương trình do Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức trong khuôn khổ hợp tác để nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội.
Đây là một trong những hoạt động nhằm phòng ngừa và ứng phó với bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam, đồng thời hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới và các sáng kiến hiện hành nhằm ngăn chặn lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới.
Đây là lần đầu tiên Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam sẽ biểu diễn cùng nhiều nữ nghệ sỹ trẻ đầy triển vọng như Đỗ Ngọc Thảo My (violin), Phạm Lê Phương (piano) và Bùi Thị Trang (opera).
Họ sẽ biểu diễn các bản nhạc nổi tiếng như “Piano Concerto No 23” của Mozart, “Khúc trầm tư” của J. Massenet, “Carmen” của Bizet và trích đoạn “Romeo và Juliet” của Tchaikovsky.
Tất cả các nữ nghệ sỹ sẽ mặc áo dài duyên dáng như một thông điệp tôn vinh vẻ đẹp nữ tính của người phụ nữ Việt Nam.
(Từ trái sang) Nhạc trưởng Honna Tetsuji, bà Naomi Kitahara và bà Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chủ trì họp báo
Đỗ Ngọc Thảo My sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống về âm nhạc. Cô tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Violin tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Kể từ đó, Thảo My đã có hành trình học tập và trải nghiệm đa dạng, từng biểu diễn cùng Dàn nhạc trẻ châu Á tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Bùi Thị Trang tốt nghiệp xuất sắc đại học chuyên ngành Thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Từ năm 2013, cô là diễn viên của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, đảm nhận vai chính trong các vở opera như “Cây sáo thần” của Mozart, “Carmen” của Bizet, “Người tạc tượng” của Đỗ Nhuận và mới đây là “Những người khốn khổ,” tiểu thuyết của Victor Hugo, âm nhạc Arnold Schoenberg.
Phạm Lê Phương bắt đầu học piano từ năm 4 tuổi. Sau khi tốt nghiệp khoa Piano tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, cô tiếp tục theo học piano tại Colburn Music Academy, Mỹ. Kể từ khi 10 tuổi, cô đã dành nhiều giải thưởng tại các cuộc thi piano quốc tế.
Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, cho biết chương trình này hướng tới mục tiêu kết nối tất cả mọi người, kết nối phụ nữ và nam giới, kết nối các trẻ em gái và trẻ em trai, kết nối những người có hoàn cảnh văn hóa-xã hội khác nhau, đến từ nhiều vùng miền khác nhau ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.
“Vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam đã được cải thiện trong những thập kỷ vừa qua, UNFPA tự hào được đóng góp một phần trong quá trình đó. Tuy nhiên, bạo lực gia đình và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới, những hành vi gây tổn hại đến phụ nữ và trẻ em gái vẫn đang tiếp diễn tại Việt Nam”, bà Naomi Kitahara bày tỏ quan ngại.
“Theo số liệu từ cuộc điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 mà UNFPA hỗ trợ, hiện nay còn 62,9% phụ nữ phải chịu một hoặc nhiều hình thức bạo lực thể xác và tinh thần. Thế nhưng, bạo lực gia đình lại là vấn đề mà nhiều phụ nữ ở Việt Nam không dám chia sẻ và lên tiếng. 90,4% phụ nữ tham gia khảo sát không tìm sự giúp đỡ từ các đơn vị cung cấp dịch vụ chính thức, chủ yếu là do sợ tai tiếng, phiền hà và kỳ thị”.
Bà Naomi cũng chỉ ra rằng, trong các mục tiêu vì sự phát triển bền vững thì mục tiêu “đạt được sự bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái” đặc biệt quan trọng trong mọi hoàn cảnh.
“Thế giới và cả Việt Nam cần đảm bảo mọi cơ hội cho trẻ em gái khi các em lớn lên và trưởng thành. Tư tưởng ‘trọng nam khinh nữ’ cần phải thay đổi”, bà nói thêm.
Buổi hòa nhạc sẽ được phát sóng trực tiếp trên mạng xã hội để có thể lan tỏa tới nhiều người hơn, đặc biệt là giới trẻ.
Theo Vietnam+