Hiệp định RCEP: Đừng để chỉ nước ngoài hưởng lợi, hàng Trung Quốc tràn vào

Kinh tế - Ngày đăng : 15:07, 18/11/2020

Nhiều nước trong RCEP có sản phẩm xuất khẩu tương đồng với Việt Nam. Nếu không cải thiện năng lực sản xuất, thị trường nội địa có thể trở thành "sân chơi" của các nước.

Mở mang thị trường

Ngày 15.11, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được ký kết. Đây là hiệp định thương mại thứ 13 Việt Nam tham gia.

Ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin thương mại và công nghiệp - Bộ Công thương cho rằng: Thực tế Việt Nam đã có nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương với từng quốc gia hoặc nhiều quốc gia trong nhóm tham gia hiệp định này. Chẳng hạn, Việt Nam có mặt trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định ASEAN+1 với 5 quốc gia đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand. Ngoài ra, Việt Nam còn có hiệp định song phương với 2 đối tác quan trọng là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nông sản có cơ hội mở mang thị trường xuất khẩu với RCEP 

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, mức độ cam kết ưu đãi thuế quan của RCEP mạnh hơn tất cả hiệp định đã ký kết trước đó. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội hơn trong lựa chọn mức ưu đãi thuế quan có lợi nhất cho từng mặt hàng xuất khẩu đến các quốc gia trong khối.

Ông Lê Quốc Phương chia sẻ: "Doanh nghiệp được chọn thực thi theo hiệp định nào có cam kết lợi hơn cho họ để phục vụ cho xuất khẩu hàng hóa. Tức là những mặt hàng nào trong RCEP được ưu đãi thuế mạnh hơn thì doanh nghiệp có thể chọn RCEP, còn mặt hàng nào chưa kịp giảm thuế xuất khẩu theo lộ trình thực thi RCEP thì chọn thực thi theo hiệp định khác".

Một chuyên gia khác cho rằng: RCEP có thể đem lại nhiều lợi ích cho các công ty đa quốc gia đang làm ăn tại Việt Nam. Bởi lẽ các  doanh nghiệp FDI hiện nay đang đóng góp gần 2/3 lượng xuất khẩu của Việt Nam. RCEP sẽ giúp cho việc nhập khẩu linh kiện, nguyên vật liệu máy móc của các doanh nghiệp này từ Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản được thuận lợi hơn với chi phí rẻ hơn.

“Còn các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được hay không phụ thuộc vào sức cạnh tranh của các sản phẩm. Trên thực tế các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tới những quốc gia này thường là những mặt hàng nông - thủy sản, kém đa dạng hơn. Do đó, nếu không nâng cao được chất lượng và thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp khó tận dụng được những ưu đãi từ RCEP”, vị này cho biết và đánh giá rằng với Việt Nam, TPP có Mỹ mới thực sự là hiệp định được mong chờ và đem lại lợi ích lớn khi Việt Nam xuất siêu vào Mỹ. Tiếc thay Mỹ đã rút lui nên chỉ có CPTPP được ký kết.

Cần một nền sản xuất mạnh để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa

Nỗi lo mở toang cửa cho hàng “ngoại”

Trong số các nước tham gia RCEP, Trung Quốc là thị trường rộng lớn được tất cả các quốc gia nhòm ngó. Trong khi đó, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn chủ yếu xuất sang thị trường này theo đường trao đổi cư dân biên giới chứa đựng nhiều rủi ro và bất định. Cho nên nếu không tăng lượng hàng hóa xuất khẩu theo đường chính ngạch, RCEP cũng khó có thể đưa hàng Việt tiến sâu hơn vào thị trường này – một thị trường Việt Nam nhập siêu hàng chục tỷ USD mỗi năm.

Với riêng thị trường Trung Quốc - quốc gia xuất khẩu thứ 3 của Việt Nam, sau Mỹ và EU; cũng là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu rất nhiều nguyên vật liệu - hiệp định này được dự báo tác động không nhỏ đến giao thương 2 nước. Bởi giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện chưa có hiệp định song phương. Trong khi đó, phía Trung Quốc thời gian qua có nhiều động thái siết nhập khẩu nông sản từ Việt Nam bằng cách hạn chế nhập hàng qua tiểu ngạch, tăng cường hàng rào kỹ thuật.

"Nếu nông sản của Việt Nam có thể tăng sức cạnh tranh, đáp ứng được hàng rào kỹ thuật thì có thể tận dụng được ưu đãi thuế quan với Trung Quốc từ hiệp định này. Để làm được, doanh nghiệp phải thay đổi cách làm ăn" – ông Lê Quốc Phương nói.

Còn so với các đối tác lớn khác trong RCEP, Việt Nam cũng đang chịu cảnh nhập siêu. Số liệu mới nhất được Tổng cục Hải quan công bố cho thấy, 10 tháng năm 2020, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang ASEAN là 18,92 tỷ USD còn nhập khẩu 24,5 tỷ USD. Với Trung Quốc, Việt Nam xuất khẩu 37,91 tỷ USD, còn nhập khẩu lên tới 65,62 tỷ USD.

Thị trường Hàn Quốc, Việt Nam xuất khẩu 16,1 tỷ USD, nhập khẩu 37,47 tỷ USD. Với Nhật Bản, Việt Nam xuất khẩu 15,74 tỷ USD trong khi nhập khẩu 16,55 tỷ USD.

Vì thế, nếu không cải thiện được năng lực sản xuất của nền kinh tế, Việt Nam sẽ khó tận dụng được ưu đãi từ RCEP để mở rộng thị trường xuất khẩu. Ngược lại, thị trường nội địa có thể tiếp tục trở thành mảnh đất màu mỡ cho các sản phẩm của nước ngoài tràn vào, gánh nặng nhập siêu với các đối tác này sẽ thêm phần nghiêm trọng.

Xét cho cùng, dù là RCEP hay bất cứ hiệp định thương mại nào Việt Nam tham gia, cơ hội để gia tăng xuất khẩu là luôn hiện hữu, vấn đề là doanh nghiệp có thể tận dụng được hay không, nhất là trong bối cảnh nền sản xuất Việt Nam còn “thiếu trước hụt sau”, nguyên vật liệu máy móc phụ thuộc vào nước ngoài. Không khắc phục được các điểm yếu này, càng nhiều hiệp định thương mại, hàng hóa “made in Vietnam” nguy cơ sẽ đuối sức ngay trên chính sân nhà, chưa mở rộng được thị trường xuất khẩu thì đã phải mở toang cửa cho hàng hóa nước ngoài.

Theo Vietnamnet