Tư tưởng lạc hậu làm gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh

Đời sống - Ngày đăng : 18:04, 18/11/2020

Theo Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, tỷ số giới tính khi sinh trong 9 tháng đầu năm nay của Hải Dương là 113,8 bé trai/100 bé gái, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.


Cán bộ Trung tâm Y tế thị xã Kinh Môn phát tờ rơi tuyên truyền không lựa chọn giới tính thai nhi cho công nhân, lao động

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhằm giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh nhưng Hải Dương vẫn nằm trong số 10 tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất cả nước, theo xu hướng tỷ lệ bé trai nhiều hơn bé gái. 

Sinh lần thứ ba để có con trai

Theo Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, tỷ số giới tính khi sinh trong 9 tháng đầu năm nay của Hải Dương là 113,8 bé trai/100 bé gái, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Nguyên nhân trước hết do quan niệm mong muốn có con trai để "nối dõi tông đường". Nhiều người cho rằng con trai mới là trụ cột trong gia đình, là chỗ dựa khi về già. Tiếp đến là ngày nay khoa học phát triển giúp việc lựa chọn giới tính thai nhi trở nên dễ dàng hơn. Bởi vậy, nhiều gia đình đã nhờ đến sự can thiệp từ bên ngoài để sinh con trai.  

Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế không đề cập đến vấn đề “xử lý việc sinh con thứ 3”. Theo thống kê của ngành dân số tỉnh, tỷ lệ người sinh con thứ 3 trong 9 tháng đầu năm nay chiếm 17,19%, tăng 1,71% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng nói là nhiều gia đình sinh con thứ 3 có sự lựa chọn để thỏa mãn việc có con trai. Đây là một thực trạng buồn trong nỗ lực giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay.

Vợ chồng chị P.T.D. ở TP Hải Dương đã có 2 con gái song mới đây lại sinh con thứ 3 là một bé trai. Việc sinh con thứ 3 của chị D. không thuận theo tự nhiên mà có sự can thiệp, lựa chọn từ bên ngoài với chủ đích là sinh con trai. Trước khi có bầu, chị D. đã thực hiện chế độ ăn uống theo phân tích để thuận lợi cho việc sinh con trai. Ngay khi có thai, chị D. thường xuyên siêu âm để chẩn đoán giới tính thai nhi. Khi biết mình mang thai bé trai, vợ chồng chị D. mới quyết định sinh con. 

Nỗ lực thay đổi quan niệm

Nhằm giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, thời gian qua, Chi cục Dân số - KHHGĐ đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân không lựa chọn giới tính thai nhi, hệ lụy của việc mất cân bằng giới tính, mỗi gia đình chỉ nên sinh đủ 2 con...

Để giải quyết gốc rễ tư tưởng "trọng nam, khinh nữ", từ năm 2019 ngành dân số đã mở rộng hoạt động tuyên truyền hướng đến nhóm đối tượng là những người cao tuổi, người có uy tín trong các dòng họ, thôn, khu dân cư. Đến nay, ngành đã phối hợp tổ chức các hội nghị hướng dẫn lồng ghép nội dung kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh vào trong các bản hương ước, quy ước của làng, thôn, khu dân cư cho hơn 1.000 người tại 8 huyện, thị xã, thành phố. 

Để việc tuyên truyền hiệu quả, ngành dân số tiếp tục hướng đến nhóm đối tượng là học sinh THCS, THPT và các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Toàn tỉnh hiện có 34 Câu lạc bộ "Các bạn gái tiêu biểu" thường xuyên tổ chức các hoạt động như xây dựng góc sinh hoạt về bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh; nói chuyện chuyên đề về bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính và sức khỏe sinh sản cho trẻ em gái...

Việc tuyên truyền cũng được tổ chức lồng ghép trong các ngày truyền thống như Ngày Dân số thế giới, Tránh thai thế giới, Quốc tế người cao tuổi, Quốc tế trẻ em gái, Quốc tế xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái...

Theo bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục tham mưu để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Tích cực phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật về dân số và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Đẩy mạnh truyền thông tới các đối tượng đặc biệt là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên, thanh niên, ông bà, cha mẹ, những người có uy tín trong cộng đồng về giới, bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh. Bên cạnh đó, ngành y tế cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về các dịch vụ y tế, đặc biệt là siêu âm, xét nghiệm xác định giới tính thai nhi để tránh việc lựa chọn giới tính trước sinh.

       NGỌC THANH