Giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất hàng hóa tập trung

Kinh tế - Ngày đăng : 08:01, 21/11/2020

Các đại biểu dự hội thảo đã đề ra nhiều giải pháp, định hướng phát triển nông nghiệp trong thời gian tới.


Các đại biểu tham dự hội thảo khoa học

Sáng 20.11, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh tổ chức hội thảo khoa học giải pháp nâng cao hiệu quả đề án "Phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025".   

TS. Phan Tùng Mậu, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam; TS Tăng Minh Lộc, Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam tới dự.

Các ý kiến tham luận đã nêu thực trạng, đánh giá những kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện đề án "Phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016- 2020" và đề xuất giải pháp thực hiện đề án trong giai đoạn 2021-2025. 

Đề án đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, thủy sản, giảm tỷ trọng ngành trồng trọt; tăng giá trị sản xuất trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản từ 123,5 triệu đồng năm 2015 lên 162 triệu đồng năm 2020; hình thành và phát triển các khu, vùng sản xuất nông nghiệp; bảo đảm và giữ vững an ninh lương thực và thực phẩm với 700.000 tấn lương thực/năm, sản lượng thịt hơi các loại đạt 150.000 tấn, sản lượng thủy sản 87.000 tấn. Đề án còn góp phần nâng cao nhận thức của người sản xuất trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng; xây dựng và mở rộng các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cho hiệu quả kinh tế cao, đột phá, vượt trội như: mô hình sản xuất dưa lưới, rau thủy canh trong nhà màng.... Tuy nhiên trong quá trình triển khai đề án còn một số hạn chế như số lượng doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm ngay từ đầu còn ít, trong khi các hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động chưa hiệu quả; tổ chức ký kết bao tiêu sản phẩm nông sản ở một số vùng rau màu, trái cây chưa bảo đảm tính bền vững...

Các đại biểu đề ra giải pháp, định hướng phát triển nông nghiệp trong thời gian tới như đổi mới tổ chức sản xuất, gắn sản xuất với thị trường trên cơ sở tích tụ ruộng đất; thu hút các doanh nghiệp đầu tư hình thành liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ; quan tâm xúc tiến thương mại, phát triển sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển sản xuất hàng hóa tập trung; tổ chức chăn nuôi an toàn sinh học, theo chuỗi liên kết...

THẢO NGUYỄN