Hội Đồng hương Hải Dương tại Lào Cai: Hai mươi năm trọn nghĩa vẹn tình
Xã hội - Ngày đăng : 11:58, 21/11/2020
Bác Phạm Thanh Xuân là một trong những người Hải Dương tiêu biểu ở Lào Cai
Trên miền biên viễn xa xôi, những người con Hải Dương luôn quan tâm, đùm bọc, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, đồng hành cùng chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng vùng đất Lào Cai ngày càng giàu đẹp.
Làm đẹp hình ảnh người tỉnh Đông
Ngay sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, nhiều người Hải Dương đã chọn ở lại và gắn bó với mảnh đất nơi biên cương của Tổ quốc. Sau này, nhiều cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang chuyển ngành, thanh niên xung phong lên xây dựng các nông trường, lâm trường, công nhân mỏ... đã bổ sung thêm cho cộng đồng người Hải Dương trên quê hương mới Lào Cai ngày càng đông đảo. Người Hải Dương tại Lào Cai sống rải rác từ TP Lào Cai đến các huyện biên giới như Si Ma Cai, Mường Khương, Bát Xát, Bảo Thắng đến Bảo Yên, Bắc Hà, Văn Bàn và thị xã Sa Pa. Dù ở đâu, dù giữ bất cứ cương vị nào, người Hải Dương ở Lào Cai cũng luôn giữ vững truyền thống tốt đẹp của người tỉnh Đông, đoàn kết, quan tâm giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, chung sức xây dựng quê hương mới. Bằng sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng, nhiều người Hải Dương đã được tin tưởng giao giữ những trọng trách quan trọng trong bộ máy chính quyền của tỉnh, huyện. Nhiều người đã trở thành tấm gương sáng trong lao động, sản xuất, tiêu biểu như bác Phạm Thanh Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển ong miền núi Thanh Xuân hay anh Vũ Đức Huy, Giám đốc Trung tâm mua sắm Đức Huy Plaza; anh Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thương mại vận tải và tư vấn kỹ thuật Quốc Hưng; anh Lương Trọng Dư, chủ chuỗi cửa hàng nội thất Dư Thủy...
Ông Vũ Duy Mến, Trưởng Ban Liên lạc cho biết từ chỗ chỉ có 53 hội viên sinh hoạt ở 1 chi hội thời điểm mới thành lập năm 2000, đến nay hội đã phát triển lên 11 chi hội với trên 500hội viên trải khắp các huyện, thành phố, thị xã của tỉnh Lào Cai. Các hội viên động viên nhau chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như những quy định của địa phương để giữ gìn hình ảnh tốt đẹp của người Hải Dương trong mắt người dân Lào Cai. Những năm qua, hội luôn duy trì các hoạt động ý nghĩa như thăm hỏi, tặng quà gia đình hội viên ốm đau, không may gặp tai nạn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo; mừng thọ hội viên cao tuổi; thăm hỏi, phúng viếng vợ, chồng, tứ thân phụ mẫu, hội viên qua đời; khen thưởng con hội viên là học sinh giỏi... Những hoạt động này đã tạo nên sự gắn kết, gần gũi, đưa các hội viên xích lại gần nhau hơn.
Luôn hướng về quê hương
Từ khi mới thành lập, Hội Đồng hương Hải Dương tại Lào Cai đã liên hệ với quê hương bằng nhiều kênh khác nhau. Với quan niệm "cây có gốc, nước có nguồn, con người có quê hương bản quán", những người con Hải Dương ở Lào Cai nhiều lần tổ chức đoàn về thăm quê hương. Lần nào về quê, đoàn cũng được lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các huyện, thành phố, thị xã tiếp đón ân cần, gần gũi càng khiến tình cảm với quê hương gắn bó khăng khít hơn. Để vơi bớt nỗi nhớ quê nhà, Ban Liên lạc thường xuyên tổng hợp những thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của quê hương Hải Dương cũng như quê hương mới Lào Cai để thông báo đến hội viên trong các buổi gặp gỡ định kỳ hằng năm. Ban Liên lạc còn thường xuyên sưu tầm tư liệu giới thiệu về truyền thống hiếu học của tỉnh Đông với "lò tiến sĩ" Mộ Trạch, Văn miếu Mao Điền cũng như nhiều di tích lịch sử nổi tiếng, những danh nhân kiệt xuất gắn bó với vùng đất Hải Dương để khơi dậy niềm tự hào đối với quê hương.
Hội Đồng hương Hải Dương tại Lào Cai còn hướng về quê hương bằng những hoạt động cụ thể như tặng quà cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, nạn nhân chất độc da cam, Bà mẹ Việt Nam anh hùng... "Những món quà tuy nhỏ nhưng mang đậm nghĩa tình của những người con với quê hương, thể hiện tấm lòng biết ơn đối với nơi sinh thành, đúng với truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây của dân tộc", ông Vũ Duy Mến chia sẻ.
VỊ THỦY