Chùa Giám xuống cấp
Di tích - Ngày đăng : 18:05, 22/11/2020
Nhà phẩm được gia cố bằng cột sắt
Xót xa
Theo các tài liệu lịch sử, chùa Giám được khởi dựng vào thời Lý với tên chữ là Nghiêm Quang tự, vốn nằm trên nền đất trống phía đông huyện Cẩm Giàng, bên hữu ngạn sông Thái Bình. Năm 22 tuổi, Tuệ Tĩnh, tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh đỗ Thái học sinh đời vua Trần Dụ Tông, niên hiệu Thiệu Phong thứ 12 nhưng không ra làm quan mà tu ở chùa Giám, chuyên tâm nghiên cứu y học, lấy vườn chùa làm nơi trồng thuốc, dạy chữa bệnh cho các tăng ni trong chùa. Với phương châm “Nam dược trị Nam nhân”, ông chủ động đi tìm nhiều cây thuốc về trồng tại vườn chùa, gây dựng phong trào trồng thuốc trong nhân dân, thu trữ thuốc để kịp thời chữa bệnh.
Đầu thế kỷ XVIII, chùa được xây dựng lại với quy mô lớn theo kiểu "nội công ngoại quốc" gồm tiền đường, thượng điện, tòa Cửu phẩm liên hoa, nhà tổ và hành lang, kiến trúc to đẹp, mang đậm dấu tích nghệ thuật thế kỷ XVII. Năm 1974, chùa được di dời về vị trí hiện nay cách chỗ cũ 7 km để tránh lũ lụt. Đến nay, chùa còn lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị là hệ thống tượng La Hán, tượng Phật, tượng cổ. Trong đó có pho tượng Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh, người có công đầu trong việc trùng tu, khôi phục chùa. Pho tượng này cũng là hình mẫu để tạo ra những pho tượng khác thờ Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh ở nhiều nơi trong cả nước. Ngoài hệ thống tượng, chùa còn có 2 chuông đồng lớn, 15 bia đá có niên đại từ thế kỷ XVII-XIX, tòa Cửu phẩm liên hoa có giá trị nghệ thuật kiến trúc đặc biệt, là tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu khoa học lịch sử. Các công trình được xây dựng liên hoàn tạo nên một hệ thống di tích cổ kính.
Trải qua những thăng trầm thời gian, đến nay nhiều hạng mục tại ngôi chùa cổ này đã xuống cấp nghiêm trọng. Ghé thăm chùa Giám vào một ngày mưa, chúng tôi thấy sân chùa bị nước ngập quá mắt cá chân. Nhiều chi tiết tại tòa tiền đường như hoành, dui mè, xối góc... đều đã mục. Mái ngói đã tụt, nhiều chỗ phải che chắn tạm bợ. Tại nhà tổ, mái ngói tụt tạo ra những khoảng trống, mỗi khi mưa, nước trút thẳng xuống các ban, bệ, tượng thờ gây bong tróc. Nhiều chi tiết hoành, dui mè, xối góc, tầu cũng gẫy, mục. Khu vực nhà phẩm phải gia cố bằng cột sắt chống đỡ cho hoành đã mục có thể gẫy bất cứ lúc nào. Các bức tượng La Hán nứt, hỏng nhiều chi tiết như chân tay, tai, đầu... có bức tượng đã gẫy rời tay phải gắn lại. Tường của các tòa tiền đường, nhà tổ, nhà phẩm đều bị bong tróc.
Anh Phạm Đức Lưu ở xã Định Sơn chia sẻ: "Là người con quê hương, trưởng thành cùng đình chùa, cây đa, giếng nước, nay nhìn ngôi chùa xô dột, bong tróc, tưởng như sắp đổ đến nơi, tôi rất xót xa".
Cũng như anh Lưu, Đại đức Thích Thanh Lương, trụ trì chùa Giám cho biết: "Những năm qua, ngôi chùa đã nhiều lần được tu bổ. Nhưng đây là ngôi chùa cổ với hệ thống công trình đa dạng nên việc tu bổ, nâng cấp tốn kém nhiều kinh phí. Tôi mong các cấp, các ngành quan tâm, sớm có phương án sửa chữa để nhân dân yên tâm".
Mái ngói nhà tổ bị tụt tạo nên những khoảng trống
Cần sớm tu bổ
Từ năm 1980-2015, ngôi chùa đã nhiều lần được tu bổ, phục chế. Lần gần đây nhất là năm 2017, ngôi chùa được sửa chữa phần hậu cung với kinh phí gần 400 triệu đồng từ nguồn vốn của Nhà nước và nhân dân đóng góp. Đến tháng 7.2017, UBND xã Cẩm Sơn (cũ) đã xây dựng hồ sơ thiết kế tu bổ 7 gian tiền đường với kinh phí dự kiến gần 2,5 tỷ đồng được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chấp thuận. Nhưng sau đó UBND xã Cẩm Sơn lựa chọn đơn vị thi công không đủ năng lực xây dựng nên đến nay công trình vẫn chưa được làm.
Ông Nguyễn Hồng Hà, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cẩm Giàng cho biết việc tu bổ một số hạng mục chùa Giám thuộc các công trình cần thực hiện trong nghị quyết đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016-2020 của huyện Cẩm Giàng. Nhưng nhiệm kỳ qua, nguồn vốn dành cho các công trình thuộc lĩnh vực văn hóa của tỉnh còn khó khăn, huyện Cẩm Giàng chưa bố trí được nguồn vốn nên tình trạng xuống cấp vẫn chưa được khắc phục.
Huyện Cẩm Giàng đang xây dựng Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện giai đoạn 2020-2025". Một trong những mục tiêu quan trọng của đề án là phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa trong huyện, các di tích quốc gia đặc biệt là Văn miếu Mao Điền, cụm di tích đền Xưa - chùa Giám - đền Bia. Giai đoạn 2021-2025, huyện Cẩm Giàng dự kiến tiếp tục đưa việc tu bổ, tôn tạo một số hạng mục chùa Giám vào kế hoạch đầu tư công với kinh phí 15 tỷ đồng.
Được xếp hạng di tích quốc gia sớm nhất ở huyện Cẩm Giàng (năm 1974), nơi tọa lạc của bảo vật quốc gia Cửu phẩm liên hoa có giá trị đặc biệt về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc, chùa Giám cần sớm được quan tâm tu bổ để gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp tục là điểm tựa tâm linh vững chắc cho người dân Cẩm Giàng và khu vực lân cận.
LÊ QUỲNH