Điều gì chờ đợi đồng phạm giúp sức cho ông Nguyễn Đức Chung?

Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 12:30, 23/11/2020

Có hai thuộc cấp của ông Nguyễn Đức Chung bị xác định giữ vai trò đồng phạm giúp sức. Điều gì chờ đợi hai người này?

Cơ quan An ninh điều tra (CQĐT), Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố ông Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội) về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước.


Hoàn tất quá trình khám xét nhà ông Nguyễn Đức Chung, thu giữ 2 thùng tài liệu phục vụ công tác điều tra

Đồng phạm với ông Nguyễn Đức Chung, ngoài cựu cán bộ công an Phạm Quang Dũng (sinh năm 1983), còn có ông Nguyễn Hoàng Trung (sinh năm 1983, cựu chuyên viên Phòng Thư ký biên tập, Văn phòng UBND TP Hà Nội) và ông Nguyễn Anh Ngọc (sinh năm 1974, cựu Phó Trưởng Phòng Thư ký biên tập)

Theo kết luận điều tra, ông Trung 1 lần nhận 3 tài liệu thông qua ứng dụng Viber, là tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “mật” từ ông Nguyễn Đức Chung và chuyển tiếp cho Nguyễn Anh Ngọc in ra giấy đưa lại cho mình để chuyển cho ông Chung vào ngày 10.6.

Bị can Trung, ông Ngọc cùng nhau chỉnh sửa, cắt phần chữ ký trang cuối tài liệu bí mật nhà nước độ “mật” nêu trên vào ngày 25.6.

Quá trình điều tra, hai bị can là thuộc cấp của ông Nguyễn Đức Chung đều thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội. Ông Ngọc có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác.

Vì vậy, CQĐT đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho cả hai bị can Ngọc và Trung.

Theo kết luận điều tra, trong vụ án này, ông Nguyễn Đức Chung giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu. Hai bị can Ngọc và Trung giữ vai trò đồng phạm giúp sức.

Hành vi của ông Ngọc và Trung đã phạm vào tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, quy định tại khoản 1, điều 337, Bộ luật Hình sự.

Điều 337, tội Cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước quy định:

Người nào cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 2-7 năm tù.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5-10 năm tù: Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn và gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10-15 năm: Có tổ chức; Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật; Phạm tội 2 lần trở lên; Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Theo Vietnamnet