Mỹ: Ông Biden lựa chọn các quan chức Nội các và Nhà Trắng

Thế giới - Ngày đăng : 06:21, 24/11/2020

Trong chính quyền dự kiến của ông Biden, ông John Kerry sẽ đóng vai trò điều phối các chương trình của nhiều cơ quan nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của quốc hội Mỹ để thúc đẩy các ưu tiên về khí hậu.


Ông Joe Biden phát biểu trong chiến dịch vận động tranh cử tại Atlanta, Georgia, Mỹ, ngày 27.10.2020

Ngày 23.11, ông Joe Biden, người được truyền thông tuyên bố đắc cử Tổng thống Mỹ, đã lựa chọn một số nhân vật cho các vị trí hàng đầu Nội các và Nhà Trắng.

Trong đó ông Antony Blinken sẽ là Ngoại trưởng, ông Jake Sullivan là Cố vấn An ninh quốc gia, ông Alejandro Mayorkas giữ chức Bộ trưởng An ninh Nội địa, bà Avril Haines là Giám đốc Tình báo quốc gia và bà Linda Thomas-Greenfield sẽ là Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc.

Đội ngũ phụ trách công tác chuyển giao quyền lực của ông Biden cho biết cựu Ngoại trưởng John Kerry sẽ được bổ nhiệm làm đặc phái viên để lãnh đạo các nỗ lực chống biến đổi khí hậu.

Trong chính quyền dự kiến của ông Biden, ông Kerry sẽ đóng vai trò điều phối các chương trình của nhiều cơ quan nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của quốc hội Mỹ để thúc đẩy các ưu tiên chính sách về khí hậu.

Trên trang mạng xã hội Twitter, ông Kerry nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ sớm có một chính phủ coi cuộc khủng hoảng khí hậu là mối đe dọa an ninh quốc gia cấp bách, đồng thời thể hiện sự ủng hộ khi được hợp tác với ông Biden, các đồng minh và các nhà lãnh đạo trẻ của phong trào khí hậu để đối phó với cuộc khủng hoảng này với tư cách là Đặc phái viên về khí hậu của Tổng thống.

Theo truyền thông Mỹ, nền tảng về ngoại giao của ông Kerry sẽ là một tài sản giá trị cho nội các của ông Biden, người đã cam kết tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của mình và giữ vai trò lãnh đạo về một vấn đề đã bị chính quyền Tổng thống Donald Trump bỏ qua trong 4 năm qua.

Nhóm chuyển giao quyền lực của ông Biden cho biết trong một thông cáo về vị trí này rằng ông Kerry đã nâng các thách thức về môi trường lên làm ưu tiên ngoại giao, từ các vấn đề về đại dương cho đến hydrocacbon.

Nhóm này đánh giá ông Kerry là kiến trúc sư chủ chốt của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Ngay sau cuộc bầu cử, ông Biden đã nhấn mạnh đến "cuộc chiến giải cứu khí hậu" trong số 5 ưu tiên hàng đầu của mình.

Nếu được bổ nhiệm, ông Kerry có vai trò quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch khí hậu trị giá 2.000 tỷ USD của ông Biden, trong đó kêu gọi đạt mức phát thải bằng 0 vào năm 2050, đầu tư lớn vào năng lượng sạch và nỗ lực xanh hóa ngành giao thông vận tải.


Nhân viên bầu cử kiểm phiếu bầu Tổng thống Mỹ tại Atlanta, Georgia, Mỹ ngày 5.11.2020

Trong một diễn biến liên quan, ngày 23.11, hơn 100 cựu quan chức an ninh quốc gia cấp cao của đảng Cộng hòa từng phục vụ dưới thời các cựu Tổng thống Reagan, George H.W. Bush, George W. Bush cũng như Tổng thống Trump đã lên tiếng thúc giục các nhà lãnh đạo hàng đầu của đảng này yêu cầu Tổng thống Mỹ Donald Trump chấm dứt hành vi "công kích phản dân chủ nhằm vào tính toàn vẹn của cuộc bầu cử tổng thống" và chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử.

Trong một lá thư, các cựu quan chức an ninh quốc gia đảng Cộng hòa khẳng định cuộc bầu cử đã kết thúc và đã có kết quả chắc chắn. Bức thư nêu rõ: “Điều rõ ràng trong hơn hai tuần qua là ông Joe Biden đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 với 306 phiếu đại cử tri, nhiều hơn số phiếu đại cử tri cần thiết là 270 phiếu”.

Mặc dù Tổng thống được quyền yêu cầu kiểm phiếu lại và đưa ra các thách thức pháp lý một cách hợp pháp, tuy nhiên cho tới nay ông Trump đã không đưa ra bằng chứng nào về việc gian lận trên diện rộng hoặc bất kỳ sự bất thường đáng kể nào khác. Hầu hết các đơn kiện của đội ngũ pháp lý thuộc ban vận động tranh cử của Tổng thống đã bị các bang bác bỏ.

Trong thư, các cựu quan chức an ninh cho rằng việc phủ nhận của Tổng thống Trump đối với chiến thắng của ông Biden sẽ gây ra những rủi ro đáng kể đối với an ninh của Mỹ trong bối cảnh Mỹ đang phải đối mặt với đại dịch COVID-19 cũng như các mối đe dọa nghiêm trọng từ các đối thủ toàn cầu, các nhóm khủng bố và các lực lượng khác.

Sự chậm trễ trong việc cho phép các nhóm chuyển tiếp gặp gỡ và trao đổi với các quan chức trong Lực lượng đặc nhiệm đối phó với SARS-COV-2 và tại Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ Ngoại giao, Quốc phòng và An ninh Nội địa cũng như các cơ quan ban ngành khác đóng vai trò quan trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ đồng nghĩa với việc chính quyền ông Biden sắp tới sẽ ít có thời gian chuẩn bị hơn để bảo vệ an ninh của Mỹ khi lên nắm quyền sau 59 ngày.

Bức thư cũng khẳng định những lo ngại trên không chỉ là giả thuyết bởi Ủy ban 9.11 đã kết luận rằng việc rút ngắn quá trình chuyển giao quyền lực cho chính quyền George W. Bush trong cuộc bầu cử gây tranh cãi năm 2000-2001 “đã cản trở chính quyền mới trong việc xác định, lựa chọn vị trí, làm rõ và nhận được sự thông qua của Thượng viện đối với các vị trí bổ nhiệm chủ chốt chịu trách nhiệm đối phó mối đe dọa của khủng bố al Qaida trong những tháng dẫn đến vụ tấn công ngày 11.9".

Ngoài ra, bức thư cũng lưu ý rằng một số lãnh đạo đảng Cộng hòa cũng đã công khai kêu gọi Tổng thống Trump “tôn trọng ý nguyện của người dân Mỹ” trong những ngày gần đây, đồng thời cho rằng đã đến lúc các nhà lãnh đạo của đảng này “gạt chính trị sang một bên” và yêu cầu Tổng thống Trump chấm dứt những nỗ lực phản dân chủ, gây tổn hại tới kết quả bầu cử để bắt đầu quá trình chuyển giao.

Trước đó, nhóm các cựu quan chức an ninh trên đã bày tỏ quan điểm ủng hộ ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc đua vào Nhà Trắng 2020.

Tổng thống Trump hiện đang phải đối mặt với sức ép ngày càng tăng từ các đảng viên đảng Cộng hòa, những người kêu gọi ông công nhận kết quả bầu cử và tiến hành chuyển giao quyền lực.

Sau ngày Tổng tuyển cử 3/11, Tổng thống Trump đã nhiều lần lên tiếng cáo buộc có hành vi gian lận trong cuộc bầu cử năm nay, đồng thời tiến hành các hoạt động pháp lý tại một số bang quan trọng nhằm đảo ngược kết quả bầu cử.

Theo TTXVN