Vì sao nhiều người đẹp thi hoa hậu bỗng cao thêm 2-3 cm sau 1 tháng?
Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 07:35, 26/11/2020
Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam vừa kết thúc, ngay lập tức xuất hiện các bằng chứng cho thấy nhiều người đẹp bất ngờ cao thêm 1-3 cm so với vòng thi bán kết cách đây 1 tháng khiến dư luận bất ngờ.
Đứng trên góc độ khoa học, tiến sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, chiều cao của một người được quy định bởi gene và dinh dưỡng, trong đó dinh dưỡng quyết định ít nhất 4-5 cm chiều cao.
Hai giai đoạn vàng trong phát triển chiều cao là giai đoạn 1.000 ngày đầu đời và giai đoạn tiền dậy thì/dậy thì.
Các thí sinh tại đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2020 vừa diễn ra
Trong năm đầu đời, chiều cao có thể gấp rưỡi lúc mới sinh, trung bình là 25 cm/năm đầu đời, năm thứ 2 có thể tăng 10 cm/năm. Thời kỳ tiền dậy thì, một người có thể tăng trung bình 6-7 cm/năm.
Một người bình thường sẽ ngừng phát triển chiều cao khi các đĩa sụn ở đầu gối hay cổ tay (còn gọi là sụn tăng trưởng/sụn đầu xương) bị cốt hóa (hóa thành xương).
Hormone GH sẽ tác động vào các đĩa sụn này khiến chúng tiếp tục phát triển/cốt hóa vào những thời điểm nhất định.
Từ 21 tuổi, hormone GH sẽ được sản xuất ít đi hoặc thậm chí hết hẳn, do vậy việc tăng trưởng chiều cao sẽ gần như kết thúc ở cả nam và nữ trong độ tuổi này.
Với độ tuổi 18-20 tuổi, khả năng tăng chiều cao rất chậm, thường chỉ còn 1-2 cm/năm, thậm chí không tăng, kể cả trong trường hợp bổ sung dinh dưỡng tốt. Sau độ tuổi 18, nếu tăng trưởng tự nhiên khó cao thêm 1-2 cm/tháng.
Tuy nhiên, chiều cao của con người có thể thay đổi thêm 1-2 cm do những yếu tố khách quan.
Tiến sĩ Sơn phân tích, cũng giống như cân nặng thay đổi trong ngày do bạn ăn no hay đói thì chiều cao cũng sẽ có sự thay đổi như vậy. Chiều cao dao động giữa buổi sáng và buổi tối khoảng 1 cm, không quá 2 cm.
Nguyên nhân là do đĩa đệm bên trong cột sống sẽ bị chèn ép trong suốt cả ngày vận động, làm chiều cao giảm đi. Ngược lại khi ngủ, cột sống không bị chèn ép nên lúc mới ngủ dậy, chiều cao sẽ đạt mức cao nhất.
Các nguyên nhân khác như liên quan đến kỹ thuật đo, dáng đứng khi đo ... cũng làm sai lệch chiều cao. "Tùy theo nguyên nhân sai số nhưng mức sai số cũng chỉ có thể dao động từ 0,5-1 cm", tiến sĩ Sơn cho biết.
Theo Vietnamnet