Băn khoăn học sinh sử dụng điện thoại trên lớp
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 11:30, 26/11/2020
Rất nhiều trường học trong tỉnh chưa cho học sinh sử dụng điện thoại trên lớp. Ảnh minh họa
Nhiều trường không cho sử dụng
Điều lệ trường THCS, THPT, trường phổ thông nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ ngày 1.11.2020 quy định học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học nếu được sự cho phép của giáo viên.
Kể từ khi thông tư trên có hiệu lực, anh Đỗ Văn Mười, giáo viên dạy môn sinh học Trường THPT Nam Sách II đã cho phép học sinh 5 lớp thuộc 2 khối 10 và 11 mà mình phụ trách được sử dụng điện thoại ở một vài tiết học. Anh Mười yêu cầu học sinh để điện thoại trên mặt bàn và không được sử dụng vào bất kỳ mục đích nào ngoài việc tra cứu thông tin phục vụ bài học. “Sử dụng điện thoại trong giờ học giúp các em ngay lập tức có thể tìm kiếm được nguồn tài liệu để trả lời nhiều câu hỏi đòi hỏi kỹ năng tư duy cao liên quan đến các bài học khó về tế bào, trao đổi chất, tiêu hóa, hô hấp ở động vật… Tôi cũng chỉ cho các em sử dụng ở một vài tiết chứ không áp dụng ở tất cả các buổi học”, anh Mười chia sẻ.
Tìm hiểu thực tế cho thấy có rất ít giáo viên như anh Mười cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học. Hầu hết các trường mới chỉ dừng lại ở việc quán triệt, phổ biến quy định trên tới cán bộ, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh, còn áp dụng vào thực tế thì rất ít nơi thực hiện, thậm chí không cho học sinh sử dụng điện thoại. Tất cả giáo viên Trường THPT Kinh Môn đã kiến nghị với Hội đồng nhà trường không cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học. Trường THPT Kim Thành II cũng chưa có giáo viên nào cho phép việc này. Trường THCS Lê Thanh Nghị (Gia Lộc) chỉ cho học sinh được sử dụng điện thoại liên lạc với người thân khi cần thiết hoặc chụp ảnh, quay video lúc nhà trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa...
Theo Hiệu trưởng Trường THCS Lai Cách (Cẩm Giàng) Vũ Thị Đức, cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học là chưa thực sự cần thiết, nhất là học sinh THCS. Các em tuổi còn nhỏ, hiếu động, tò mò, dễ xa rời mục đích sử dụng điện thoại trong giờ học nếu giáo viên không kiểm soát tốt. Đa số các em chưa được cha mẹ cho sử dụng điện thoại hoặc nếu có cũng chỉ có chức năng nghe gọi, nhắn tin. Hiện nay, đa phần giáo viên đều soạn giáo án điện tử. Các lớp đều có màn hình máy chiếu hoặc ti vi thông minh kết nối internet. Với những bài học khó, ngoài nội dung kiến thức, giáo viên đều chuẩn bị hình ảnh, video clip minh họa để trình chiếu ngay trên lớp. Nhìn vào đây học sinh có thể hiểu mà không cần tra cứu trên điện thoại.
Đa số giáo viên và cha mẹ học sinh trong tỉnh khi được hỏi đều bày tỏ lo ngại nếu các em sử dụng điện thoại trên lớp. Không phải học sinh nào cũng có ý thức sử dụng điện thoại vào mục đích học tập, có khi chỉ để nhắn tin, chụp ảnh, quay video đăng Facebook, Zalo, xem phim, chơi game… Trong lớp có đông học sinh, một mình giáo viên không thể kiểm soát hết việc sử dụng điện thoại của các em.
Anh Nguyễn Văn Dĩ ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) có con đang học lớp 12 cho biết từ trước tới nay con anh vẫn học tốt dù không được sử dụng điện thoại. Một tiết học có 45 phút, tra cứu tài liệu trên điện thoại thường xuyên vừa mất thời gian, vừa hại mắt. Học sinh chỉ cần chăm chú nghe thầy cô giảng bài là được. “Cái gì cũng tra Google thì học sinh sao phát huy được khả năng tự học và sáng tạo?”, anh Dĩ nêu quan điểm.
Chỉ nên sử dụng ở nhà
Trong thời đại công nghệ số, điện thoại thông minh hay các thiết bị khác đã hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động giáo dục và đào tạo. Điều này càng được minh chứng rõ nét trong thời gian các trường học phải dạy trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Một nhà quản lý giáo dục có quan điểm nếu không dạy trực tuyến thì không nhất thiết phải cho học sinh sử dụng điện thoại trên lớp bởi việc này sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khó kiểm soát. Sử dụng điện thoại trên lớp không phục vụ học tập là hành vi bị cấm tại điều 37 của Thông tư 32. Nếu giáo viên các trường thấy cho học sinh sử dụng điện thoại trên lớp là không cần thiết thì có thể đề xuất với Ban giám hiệu cấm tuyệt đối.
Nhiều người cho rằng học sinh chỉ nên sử dụng điện thoại ở nhà để tra cứu những thông tin mà giáo viên không thể truyền tải được hết trong giờ học. Điều này sẽ giúp các em được mở mang kiến thức. Bên cạnh đó, điện thoại cũng là công cụ hữu ích để học sinh trao đổi bài vở với thầy cô, bạn bè nhưng việc này cần đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của cha mẹ học sinh để tránh những mặt trái. Giáo viên các trường cần thường xuyên nhắc nhở, định hướng để học sinh có kỹ năng cần thiết làm chủ công nghệ phục vụ học tập một cách hiệu quả.
BÌNH MINH