Thủ tướng Đức: COVID-19 sẽ thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu

Tin tức - Ngày đăng : 07:53, 02/12/2020

Bà Merkel đặt câu hỏi châu Âu sẽ như thế nào sau khủng hoảng trong bối cảnh số ca lây nhiễm tiếp tục ở mức cao đi kèm với hàng loạt những biện pháp hạn chế để kiểm soát dịch bệnh.


Thủ tướng Đức Angela Merkel

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh kỹ thuật số do Chính phủ Đức tổ chức theo hình thức trực tuyến ngày 1.12, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng đại dịch viêm đường hô hấp COVID-19 sẽ làm thay đổi hơn nữa cán cân quyền lực toàn cầu theo hướng có lợi cho châu Á.

Thủ tướng Merkel bày tỏ lo ngại đại dịch COVID-19 có thể làm suy yếu nền kinh tế châu Âu so với các quốc gia châu Á.

Bà Merkel nhấn mạnh "đại dịch đã đẩy lùi châu Âu về mặt kinh tế", đồng thời đặt câu hỏi châu Âu sẽ ở đâu sau đại dịch và liệu sẽ có một trật tự toàn cầu mới ở các khu vực.

Theo bà, khu vực châu Á đang tăng trưởng kinh tế trở lại khi có nhiều người dân người đeo khẩu trang hơn và cũng không có nhiều cuộc biểu tình phản đối các biện pháp chống COVID-19 của chính quyền.

Bà đặt câu hỏi châu Âu sẽ như thế nào sau khủng hoảng trong bối cảnh số ca lây nhiễm tiếp tục ở mức cao đi kèm với hàng loạt những biện pháp hạn chế để kiểm soát dịch bệnh.

Phát biểu của bà Merkel được đưa ra trong bối cảnh châu Âu đang bị tác động nghiêm trọng bởi làn sóng COVID-19 lần thứ hai, trong khi có nhiều cuộc biểu tình phản đối các biện pháp chống dịch ở các nước.

Đức đã phải thực hiện phong tỏa một phần kể từ đầu tháng 11, còn một số quốc gia láng giềng đang tìm cách kiểm soát đại dịch bằng các biện pháp chặt chẽ hơn. Các biện pháp hạn chế nhằm kiềm chế dịch đã tác động tới sự phục hồi kinh tế của châu Âu.

Trong khi đó, Trung Quốc - nơi xuất hiện những trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên khoảng một năm trước, cho đến nay đã có thể tự tin về khả năng kiểm soát được làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Các nhà kinh tế đánh giá nền kinh tế Trung Quốc sẽ trở lại mức trước khủng hoảng vào nửa cuối năm 2020. Trái ngược lại với Trung Quốc, Chính phủ liên bang Đức không hy vọng nền kinh tế có thể trở lại mức như tiền khủng hoảng trước năm 2022.

Tại hội nghị trên, Thủ tướng Merkel cũng kỳ vọng vào tiến trình số ở Đức, trong đó có lĩnh vực ô tô. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Đức kêu gọi cần tăng tốc độ chuyển đổi số, nhấn mạnh tốc độ chuyển đổi số thực sự là một vấn đề lớn ở Đức trong khi sự cấp thiết của việc chuyển đổi trong nhiều lĩnh vực chưa được nhìn nhận một cách đầy đủ.

Thủ tướng Merkel cũng bày tỏ kỳ vọng trong 10 năm tới, các ứng dụng kỹ thuật số sẽ được tích hợp mạnh mẽ hơn nữa vào cuộc sống hàng ngày.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế thông tin, Viễn thông và Truyền thông mới của Đức (BITCOM) Achim Berg cảnh báo không hề có tiến bộ trong lĩnh vực giáo dục và quản lý ở Đức, nhấn mạnh vấn đề lớn nhất của nước này là nhiều lĩnh vực vận hành quá chậm chạp.

Cũng phát biểu tại hội nghị trên, Bộ trưởng Kinh tế liên bang Đức Peter Altmaier coi cuộc khủng hoảng COVID-19 hiện nay là cơ hội để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số ở Đức.

Theo TTXVN