[Video] Mỹ nghệ trang sức ở làng Hà Đông

Đất và người xứ Đông - Ngày đăng : 09:39, 02/12/2020

Theo người dân nơi đây, vào những năm 70 của thế kỷ trước, làng Hà Đông có đến hơn 100 hộ làm lược từ sừng, làm vỏ bao thuốc lá từ đồi mồi với họa tiết hoa văn rất sinh động.


Cơ sở sản xuất mỹ nghệ của anh Phóng hiện thu lãi trên 20 triệu đồng/tháng

Đến cơ sở sản xuất mỹ nghệ trang sức của nghệ nhân Phạm Văn Phóng ở làng Hà Đông, xã Thái Dương (Bình Giang), chúng tôi thấy những người thợ đang khẩn trương hoàn thiện sản phẩm trang sức từ sừng trâu, vỏ bào ngư để kịp xuất đi cho khách ở Hà Nội. Anh Phóng cho chúng tôi xem tấm bằng khen đoạt giải ba cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo sản phẩm bền vững làng nghề Việt Nam”. Để có sản phẩm trang sức hoàn thiện, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn từ nhập nguyên liệu ở Phú Xuyên (Hà Nội), pha chế sừng, hơ ép, réo thành khuôn rồi cắt răng, chà lát, đánh bóng… Mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự khéo léo. Sau cùng là hoàn thiện sản phẩm, đóng gói bao bì, nhãn mác theo yêu cầu của khách.

Hiện nay, anh Phóng là người duy nhất trong làng được công nhận nghệ nhân mỹ nghệ trang sức. Anh vào nghề từ năm 1997, được chú ruột là nghệ nhân Phạm Xuân Hòa truyền nghề. Cơ sở sản xuất mỹ nghệ của anh Phóng hiện có doanh thu khoảng 200 triệu đồng/tháng, thu lãi trên 20 triệu đồng/tháng, tạo việc làm thường xuyên cho 12 công nhân trong làng với mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.


Sản phẩm mỹ nghệ của người dân Hà Đông

Theo người dân nơi đây, vào những năm 70 của thế kỷ trước, làng Hà Đông có đến hơn 100 hộ làm lược từ sừng, làm vỏ bao thuốc lá từ đồi mồi với họa tiết hoa văn rất sinh động. Tuy nhiên, trong làng hiện chỉ còn 3 cơ sở sản xuất mỹ nghệ trang sức, trong đó cơ sở của anh Phóng tiêu biểu hơn cả. Những nghệ nhân ở Hà Đông đang từng bước nâng cao tay nghề để sáng tạo ra những mẫu trang sức tinh xảo dùng làm quà tặng.

Ông Phạm Xuân Hội, Chủ tịch UBND xã Thái Dương cho biết địa phương mong muốn phát triển nghề mỹ nghệ trang sức tại làng Hà Đông giúp người dân cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay số nghệ nhân, thợ có tay nghề giỏi trong làng đã không còn nhiều. Các nghệ nhân lớn tuổi dần mất đi mà chưa kịp truyền thụ lại hết tinh hoa nghề cho lớp trẻ.

Có nhiều thợ giỏi và níu giữ được họ là cơ sở căn bản để bảo tồn những tinh túy trong các làng nghề truyền thống. Để khôi phục và phát triển làng nghề mỹ nghệ trang sức ở Hà Đông, cần có những nghệ nhân tâm huyết đi đầu trong giữ nghề, truyền nghề. Ngoài ra, cơ quan chức năng và địa phương cần tạo điều kiện hỗ trợ về đất đai, vốn... để các cơ sở sản xuất mỹ nghệ trang sức phát triển.  

Xem clip

THÀNH ĐẠT