Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng
Kinh tế - Ngày đăng : 09:25, 03/12/2020
Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đọc tờ trình về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025
Tại Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có tờ trình về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) 5 năm 2021 - 2025.
Theo tờ trình, dự báo trong 5 năm tới, tỉnh ta phải đối mặt với nguy cơ kinh tế thế giới khủng hoảng và suy thoái do tác động của đại dịch Covid-19; xu hướng già hóa dân số nhanh, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường ngày càng tác động mạnh. Môi trường đầu tư, kinh doanh chậm được cải thiện, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, cải cách hành chính chậm, thiếu quyết liệt trong hành động vẫn là điểm nghẽn của phát triển.
Nhằm tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, tạo đột phá phát triển, tỉnh ta xác định tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số để phát triển nhanh, bền vững. Phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; một số ngành dịch vụ có lợi thế, chất lượng cao; đô thị xanh, thông minh, hiện đại. Liên kết chặt chẽ, khai thác tốt thế mạnh cùng các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Tiếp tục đổi mới toàn diện giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; nâng cao mức hưởng thụ phúc lợi xã hội và mức sống của người dân. Củng cố vững chắc quốc phòng, quân sự địa phương; giữ vững an ninh trật tự và an toàn xã hội, bảo đảm môi trường ổn định cho phát triển. Tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập quốc tế.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra các chỉ tiêu phát triển KTXH 5 năm 2021 - 2025 là: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 9% trở lên; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 115 triệu đồng (tương đương 4.800 USD), năm 2030 đạt 200 triệu đồng (tương đương 7.700 USD). Đến năm 2025, thu nhập thực tế bình quân đầu người đạt 85 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp và thủy sản 8%, công nghiệp - xây dựng 61,5%, dịch vụ 30,5%. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng hằng năm từ 15% trở lên. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi thủy sản đạt 210 triệu đồng. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2025 đạt 20%. Thu ngân sách nội địa tăng bình quân 10%/năm. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 45%. Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt 0,77. Giảm 4/5 số hộ nghèo trong vòng 5 năm theo chuẩn mới. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vào năm 2025 đạt 80%. 100% số cụm công nghiệp (có chủ đầu tư hạ tầng) có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu; 100% số doanh nghiệp thuộc đối tượng được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường...
Để đạt được các chỉ tiêu đề ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, quyết liệt chỉ đạo, tổ chức lập và hoàn thành tốt Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Luật Quy hoạch. Tập trung lãnh đạo chỉ đạo và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư - thương mại. Tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển một số lĩnh vực dịch vụ có tiềm năng; tăng cường liên kết, phối hợp phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong vùng du lịch đồng bằng sông Hồng. Tập trung cho các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất và đời sống, nhất là lĩnh vực nông nghiệp.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công. Ưu tiên, tạo khâu đột phá trong xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh của tỉnh nhằm tạo môi trường làm việc minh bạch, hiệu lực, hiệu quả cao và hướng tới sự hài lòng của người dân. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ hiện đại.
Tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, rác thải tập trung cho các đô thị và khu vực trên địa bàn tỉnh, góp phần cải tạo môi trường sống của nhân dân. Tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp. Thu hút dòng chảy FDI của một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho một số doanh nghiệp lớn trong nước, có uy tín đang đầu tư trên địa bàn tỉnh phát triển trở thành doanh nghiệp đầu tàu, có quy mô vùng, liên vùng hoặc tầm cỡ quốc gia để dẫn dắt các doanh nghiệp trong tỉnh phát triển.
Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Quan tâm đến nguồn nhân lực cho phát triển, xây dựng con người xứ Đông - Hải Dương phát triển toàn diện. Thay đổi về tư duy, sáng tạo, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành chính quyền các cấp. Phân công, phân cấp và quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của mỗi cấp, mỗi ngành và vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp...
HOÀNG BIÊN