"Tham gia đánh giá quốc tế để hoạch định chính sách giáo dục phù hợp"
Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 16:28, 03/12/2020
Phó giáo sư Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo
Theo kết quả Chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học các nước Đông Nam Á (SEA PLM) năm 2019, học sinh tiểu học Việt Nam đứng đầu ở cả ba năng lực được khảo sát là đọc hiểu, viết, toán học.
Trong đó ở năng lực đọc hiểu, Việt Nam đạt mức năng lực trung bình cao nhất là 6/6 với 82% học sinh. Ở lĩnh vực viết, học sinh Việt Nam đạt mức năng lực trung bình là 6/8, tỷ lệ học sinh đạt mức năng lực thứ 8 là 20%. Ở lĩnh vực toán học, học sinh Việt Nam có mức năng lực trung bình là 8/9 với 42% học sinh đạt mức 9.
Phó giáo sư Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những chia sẻ với báo chí xung quanh kết quả này.
Quy trình đánh giá nghiêm túc, khách quan
- Thưa Cục trưởng, đây là kết quả rất đáng ghi nhận, thể hiện chất lượng giáo dục tiểu học của Việt Nam. Ông có thể cho biết quá trình đánh giá của SEA PLM cũng như sự tham gia của Việt Nam diễn ra như thế nào?
Phó giáo sư Mai Văn Trinh: Chương trình đánh giá học sinh tiểu học các nước Đông Nam Á đã được các nước đưa ý tưởng từ năm 2011 và sau đó triển khai. Việt Nam tham gia ở chu kỳ đánh giá năm 2019 cùng các nước Lào, Campuchia, Malaysia, Myanmar và Phillipines. Đây là hoạt động đánh giá theo diện rộng của khu vực và có uy tín quốc tế thể hiện qua quy trình kỹ thuật cũng như tính nghiêm túc trong quá trình đánh giá.
Các nước khi tham gia phải tuân thủ các quy định chặt chẽ của ban tổ chức đưa ra. Trước đó, chúng ta đã phải tham gia khóa tập huấn về quy trình tổ chức, đặc biệt là việc triển khai các câu hỏi, phải tiến hành thử nghiệm trước khi khảo sát chính thức. Từ sự chuẩn bị kỹ càng đó, với đội ngũ chuyên gia và được sự hỗ trợ của tổ chức SEA PLM, chúng ta đã thực hiện khảo sát trên quy mô 150 trường tiểu học với 819 giáo viên, 150 hiệu trưởng, 4.837 học sinh và 4.531 phụ huynh theo quy định của SEA PLM đưa ra.
Qua các quy trình tổ chức nghiêm túc, khách quan, xử lý kỹ thuật, SEA PLM đã công bố kết quả. Theo đó, Việt Nam đạt kết quả cao ở cả ba lĩnh vực đọc hiểu, viết và toán.
Kết quả này đã được phân tích rất kỹ và sâu, đưa ra được bức tranh khách quan để từ đó chúng ta hoạch định các chính sách nói chung, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục tiểu học.
Chẳng hạn trong lĩnh vực đọc hiểu, với tỷ lệ 82% học sinh đạt mức cao nhất cho thấy đây là lĩnh vực học sinh có thể mạnh, kể cả học sinh vùng khó và vùng nông thôn. Điều đó chứng tỏ khả năng học ngôn ngữ chính thức của chúng ta là tốt.
Thứ hai là lĩnh vực viết, chúng ta đạt 6/8. Qua phân tích cụ thể cho thấy những bài viết ở mức độ nâng cao có sự liên kết văn bản thì học sinh miền núi chưa được tốt băng học sinh vùng nông thôn và thành thị. Đặc biệt có chỉ số cho thấy các học sinh nam có kỹ năng viết chưa bằng kỹ năng nữ. Còn lĩnh vực toán học là lĩnh vực thế mạnh của chúng ta.
Kết quả phân tích cũng cho thấy trình độ học vấn của cha mẹ có ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập của con em. Cha mẹ có trình độ học vấn càng cao thì kết quả học tập của các con càng tốt.
Tiếp tục tham gia các đánh giá quốc tế
- Từ bức tranh đó, chúng ta sẽ có hoạch định chính sách như thế nào đối với giáo dục tiểu học trong thời gian tới, thưa ông?
Phó giáo sư Mai Văn Trinh: Có thể nói một trong những ý nghĩa, mục tiêu rất lớn của việc tham gia các chương trình đánh giá diện rộng trong khu vực và quốc tế là cung cấp cho chúng ta một bức tranh tổng thể về thực trạng của giáo dục, trong trường hợp này là giáo dục tiểu học, để từ đó hoạch định các chính sách phù hợp.
Từ kết quả này cũng như từ các kênh thông tin và chỉ số khác, tới đây chung ta cần tập trung vào một số vấn đề trọng tâm.
Thứ nhất là chúng ta sẽ điều chỉnh các chính sách về đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị cũng như đội ngũ giáo viên, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng khó khăn, để từng bước thu hẹp khoảng cách giữa miền núi, nông thôn và thành thị.
Thứ hai là chúng ta sẽ có chương trình để phổ biến kiến thức cho cha mẹ học sinh để từ đó nâng cao hiệu quả của giáo dục gia đình. Trong mối quan hệ gia đình, nhà trường, xã hội, điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với giáo dục tiểu học.
Thứ ba là sẽ có những chương trình chú trọng hơn cùng với các chương trình về bình đẳng giới. Qua đánh giá vừa rồi cho thấy khả năng viết của học sinh nam đang chưa bằng học sinh nữ. Đây cũng là vấn đề cần từng bước xử lý trong các nhà trường.
Thứ tư là là chúng ta sẽ có những chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ hiệu trưởng các trường tiểu học để tăng cho họ kỹ năng quản trị quản lý nhà trường, đặc biệt trong giai đoạn triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như từng bước nâng cao vai trò tự chủ, chủ động của các cơ sở giáo dục.
Thứ năm là tới đây, chúng ta sẽ củng cố các bộ phận để tiếp tục tham gia các chương trình đánh giá diện rộng của khu vực và quốc tế để vận dụng vào quá trình đổi mới kiểm tra, đánh giá trong các nhà trường đồng thời từ đó có các bộ số liệu đánh giá chính xác và khách quan nhất. Trên cơ sở đó chúng ta sẽ có kế hoạch điều chỉnh các chính sách giáo dục phù hợp.
- Xin cảm ơn phó giáo sư!.
Theo Vietnam+