Mỗi bên chịu thiệt một chút
Đời sống - Ngày đăng : 17:00, 05/12/2020
- Từ ngày có chương trình nông thôn mới, quê mình thay đổi diện mạo hẳn ông nhỉ! Đường làng to đẹp, các nhà mọc san sát chẳng khác gì phố.
- Cũng nhờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, rồi công đóng góp của nhân dân trong thôn, xã. Hơn nữa, những người con xa quê như ông cũng ủng hộ nên quê ta mới thay đổi thế - ông Hóa cười nói.
- Đường thì đẹp rồi ông ạ. Nhưng sao tôi thấy có mấy tuyến đường trong thôn vẫn còn cột điện đứng gần giữa đường ông nhỉ? - ông Tuấn thắc mắc.
- Ngày xưa đường bé, cột điện ở mép đường, nhưng từ ngày làm đường to ra nên cột điện thành ra nằm giữa đường ông ạ! - ông Hóa giải thích.
- Thế cũng phải có phương án di chuyển chứ? Bao nhiêu công sức làm ra đoạn đường to đẹp, chẳng nhẽ chỉ vì mấy cây cột điện mà làm mất bao công sức của mọi người.
- Ai cũng nhìn ra điều đó nhưng vẫn còn dây dưa vì chưa biết ai sẽ chuyển và tiền ở đâu để chuyển ông ạ.
- Cột điện thì chắc là do ngành điện chuyển chứ ông?
- Thì ai cũng nghĩ như ông nên cột điện vẫn cứ nằm giữa đường đấy.
Thấy ông Tuấn vẫn còn chưa hiểu hết, ông Hóa giải thích:
- Lãnh đạo thôn cũng đã làm việc với ngành điện về việc di dời cột. Nhưng ngành điện bảo họ chỉ hỗ trợ đường dây, công lắp đặt thôi, còn kinh phí làm cột, dỡ cột cũ thì phải do nhân dân đầu tư. Mà ông tính xem, người dân đã hiến đất, đóng tiền làm đường cả rồi, giờ chẳng nhẽ có cái cột điện cũng bắt người dân đóng tiền nữa. Ngân sách xã thì eo hẹp lấy đâu ra tiền mà di chuyển. Họp hành dân cũng kiến nghị lên cấp trên rồi nhưng cột điện vẫn nằm im ở đó...
- Tôi thấy nhiều nơi họ đã di dời được cột điện nằm giữa đường. Có lẽ quê mình cũng nên tham khảo cách làm của họ. Ai cũng có cái khó của mình, nhưng tôi nghĩ mỗi bên chịu thiệt một chút để cùng giải quyết. Cả con đường to đẹp làng mình còn làm được thì mấy cái cột điện này chắc cũng không khó ông nhỉ?
TÂM PHÚC