Vẽ chân dung và để cho các nhân vật Truyện Kiều tự lên tiếng
Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 19:09, 05/12/2020
Tranh vẽ các nhân vật Thúc Sinh, Hoạn Thư và Thúy Kiều gặp nhau trong màn đánh ghen nổi tiếng - Ảnh: L.ĐIẾN
Truyện Kiều của Nguyễn Du từng được nhiều thế hệ nghệ sĩ sử dụng làm chất liệu để chuyển thể thành nhiều loại hình nghệ thuật, không chỉ chứng tỏ sức sống mãnh liệt của một áng văn chương "tài tình thiên cổ lụy", mà qua đó cho thấy các nhân vật Truyện Kiều qua cấu tứ của Nguyễn Du vẫn là nguồn cảm hứng tuôn chảy không ngừng trong những người tiếp nhận.
Quyển artbook Truyện Kiều tự kể là công trình chuyển dạng mới nhất, các tác giả vừa sử dụng tranh vẽ để khắc họa hình ảnh 12 nhân vật chính, vừa nhập vai từng nhân vật Truyện Kiều để nói lên tâm sự của mình.
Đây là ý tưởng độc đáo, cũng là thử thách lớn cho nhóm thực hiện và trong chừng mực nào đó, các tác giả đã để lại dấu ấn cả trong phần tranh vẽ và viết lời. Ngay cả việc xếp Thúy Kiều là nhân vật cuối cùng lên tiếng trong số 12 nhân vật, cũng là một cách tạo chú ý.
Và việc quyết định thực hiện loạt tranh vẽ các nhân vật Truyện Kiều đã là một phép thử đòi hỏi... sự can đảm. Bởi lẽ từ khi có áng văn Đoạn Trường Tân Thanh đến nay, công chúng mặc nhiên thừa nhận những hình ảnh nhân vật Truyện Kiều đẹp nhất là hình ảnh... trong lòng mình.
Chính vì vậy mà nhiều người ngán ngại khi phải minh họa Truyện Kiều cho dù là các họa sĩ thế hệ hàng đầu của Trường Mỹ thuật Đông Dương hồi thế kỷ 20.
Do vậy, 12 nhân vật bao gồm Thúy Vân, Đạm Tiên, Kim Trọng, Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Từ Hải, Hồ Tôn Hiến, Giác Duyên, Thúy Kiều trong artbook này có thể còn có chỗ chưa đạt trong nhận xét của giới chuyên môn hoặc người hâm mộ Kiều, nhưng ít ra nét vẽ cũng phản ánh chân thực suy nghĩ và cảm nhận của nhóm tác giả dành cho Truyện Kiều.
Tôi muốn khi tái tạo trên nền văn bản có sẵn, sẽ không hiện diện những điều áp đặt hay quy chụp chi phối ngòi bút của mình. Các nhân vật mà Nguyễn Du trao lại cho tôi cần được hiện lên với những tính cách thật đời thường, thật con người, và thật tương thích với cuộc sống hôm nay.
Cao Nguyệt Nguyên
Phần đóng góp đáng kể chính là nội dung các nhân vật tự thuật. Hóa ra đây cũng là một thách thức cho người viết. Do lẽ Truyện Kiều quen thuộc quá, nếu bây giờ cho Thúy Vân tâm sự thì nàng sẽ nói gì? Hoạn Thư trải lòng thế nào để bạn đọc ngày nay khi đọc sách này vẫn còn có cái để nhớ, để chia sẻ và tâm đắc?...
Thật may là Cao Nguyệt Nguyên cũng nỗ lực để phần lời của các nhân vật không đi vào sáo mòn như một "phiên bản văn xuôi" từ câu chữ của Nguyễn Du. Có thể đọc thấy tâm sự của Thúy Vân để hiểu cảm giác của nàng trong lúc đoàn viên sau 15 năm lưu lạc, vào cái đêm Kim - Kiều tái hợp ngồi nói chuyện thâu đêm "đem tình cầm sắc đổi ra cầm kỳ". Diễn đạt tâm lý Thúy Vân chỗ này, chính là một điểm khéo của tác giả Cao Nguyệt Nguyên.
Hay như tâm sự của Hoạn Thư - nhân vật có diễn biến tâm lý hết sức phức tạp, người đàn bà "gắt" nhất Truyện Kiều: "Lòng ta trút được gánh nặng, nhưng hình bóng Thúc Sinh phong lưu tao nhã trong lòng ta ngày xưa thì nay đã tan biến. Chàng bạc bẽo đâu chỉ với ta mà cả với ả Kiều tài sắc kia...". Viết như thế này, quả là người chẳng những am hiểu Hoạn Thư mà còn kinh lịch cả chuyện tình cảm trai gái cùng các quan niệm về xử thế ở đời.
Tác giả còn cho mỗi nhân vật một phần "nhân vật trong đời sống hôm nay", là một cách để nhân vật nói thêm về những "miệng tiếng ở đời" đối với mình qua suốt hai trăm năm Truyện Kiều tồn tại. Từ đó, người đọc hôm nay có thể nhìn lại mối tương quan giữa các nhân vật Truyện Kiều với công chúng bấy lâu.
Một số chân dung nhân vật trong Truyện Kiều tự kể:
Thúy Vân
Kim Trọng
Mã Giám Sinh
Sở Khanh
Hoạn Thư
Từ Hải
Đạm Tiên
Giác Duyên
Thúy Kiều
Sách do NXB Kim Đồng ấn hành - Ảnh: L.ĐIỀN
Theo Tuổi trẻ