Hà Ánh Phượng: Tôi chỉ là giáo viên bình thường bước ra từ vườn chuối

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 14:42, 07/12/2020

Từng bị bạn bè can ngăn khi muốn quay trở về quê làm một cô giáo trường làng, giờ đây, cô Phượng đang tích cực đi lan tỏa mô hình lớp học xuyên biên giới tới cộng đồng giáo viên trên khắp Việt Nam.

Sau khi trở thành một trong 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu do tổ chức Varkey Foundation bình chọn, cô giáo Hà Ánh Phượng, giáo viên tiếng Anh của Trường THPT Hương Cần (Thanh Sơn, Phú Thọ) vẫn tiếp tục công việc của mình ở trên bục giảng, tiếp tục truyền cảm hứng giúp học sinh trở thành những công dân toàn cầu và có thể chạm tay ra bên ngoài thế giới.

giáo viên,Giáo Viên Toàn Cầu

Không giống như những lớp học thông thường, trong lớp của cô Phượng, bàn ghế được kê theo cách “phi truyền thống”. Học trò quay mặt vào nhau, ngồi theo từng nhóm để cùng bàn luận về những nội dung liên quan tới bài học.

Bắt đầu tiết học tiếng Anh, cô giáo trẻ cho cả lớp khởi động bằng trò chơi quizz. Lớp học trở nên rộn ràng hơn bởi âm thanh của những tiếng nhạc. Học sinh tay cầm chiếc smartphone, nhanh chóng giải những câu đố mà cô giáo đặt ra. Đôi khi, nội dung câu hỏi có thể không liên quan đến bài học, nhưng không khí vui vẻ và sự tập trung đã tạo ra khởi đầu suôn sẻ giúp học sinh thoải mái hơn trước khi bước vào tiết học.

“Trong lớp dường như không có ‘'khoảng lặng’'. Giáo viên chỉ đóng vai trò điều phối từng công đoạn, còn học sinh sẽ được làm chủ nội dung”, cô Phượng nói.

Nhìn cách các em trò chuyện và tự tin trao đổi với giáo viên bằng tiếng Anh, ít ai nghĩ đây lại là lớp học của một ngôi trường miền núi Phú Thọ với hơn 80% học sinh là người dân tộc Mường. Và đây cũng là điều “kỳ tích” mà cả cô Phượng và học trò đều không dám tin vào thời điểm 2 năm về trước.
giáo viên,Giáo Viên Toàn Cầu

“Mỗi lần nhắc đến câu chuyện của mình, tôi thường nói rằng mình chỉ là một giáo viên bình thường bước ra từ vườn chuối. Đây không phải là cách nói hình tượng ví von mà câu chuyện từ vườn chuối vươn tay ra thế giới là có thật”, cô giáo Mường kể lại hành trình “chạm tay vào bên kia bán cầu trái đất”.

Đó là một buổi sinh hoạt chuyên môn xung quanh mô hình lớp học xuyên biên giới, do nhà bị mất điện nhưng không muốn dang dở sự kết nối, cô Phượng đành ra ngồi ở vườn chuối “bắt ké” wifi nhà hàng xóm để có thể tiếp tục giao lưu với thầy cô khắp địa cầu. Nhưng cũng nhờ những kỷ niệm đáng nhớ này đã nuôi trong cô Phượng khát khao đưa những đứa trẻ miền núi “vượt biên không cần visa”.

giáo viên,Giáo Viên Toàn Cầu

Sinh ra từ vùng quê nghèo Yên Lập, là học sinh dân tộc thiểu số, cô Phượng thấu hiểu những khó khăn mà học sinh miền núi gặp phải khi tiếp cận với tiếng Anh.

“Tôi cũng từng phải nỗ lực bằng những cách khác nhau để có thể tiếp cận với thứ ngôn ngữ xa lạ này, từ việc xem những bản tin trên truyền hình, tìm mua những tờ báo cũ để học từ mới”.

Được “chắp cánh” bởi nhiều thầy cô giáo dạy tiếng Anh, Phượng thi đỗ vào Trường ĐH Hà Nội, sau đó tốt nghiệp đại học và thạc sĩ loại ưu cũng tại chính ngôi trường này. Sau khi tốt nghiệp, dù được một công ty nước ngoài mời về làm giám đốc đại diện với mức lương ngàn đô, nhưng Phượng vẫn quyết định trở về quê hương làm một cô giáo dạy trường làng.

Quyết định này của Phượng khiến bạn bè, người thân ngạc nhiên. Nhiều người còn can ngăn rằng: “Nếu về, mày tụt hậu là cái chắc”. Nhưng Phượng lại cho rằng: “Ở nông thôn hay thành phố, đó đều không phải là rào cản. Với giáo viên, việc ngừng học chính là sự tụt hậu”. Chính vì thế, từ “vườn chuối” cô giáo trẻ vẫn nỗ lực để nhìn thấy thế giới gần hơn.

giáo viên,Giáo Viên Toàn Cầu

Thấy học trò gặp những bất lợi trong việc học ngôn ngữ, cô Phượng cố gắng tìm cách tạo ra môi trường để các em được luyện tập một cách tự nhiên nhất.

“Tôi luôn có niềm tin rằng các em học sinh dân tộc thiểu số hoàn toàn có khả năng học ngoại ngữ, bởi bản thân các em vốn là những đứa trẻ đa ngôn ngữ nên việc học thêm một ngoại ngữ nữa là một lợi thế. Điều giáo viên cần làm là đưa môi trường vào để các em phát huy được thế mạnh”.

Do đó, trong mỗi tiết dạy của mình, cô Phượng luôn cố gắng khiến học trò được “sống tự nhiên” trong ngôn ngữ mới; đồng thời tạo ra động lực trong sâu thẳm các em, rằng phải học để thay đổi cuộc đời; học để vươn ra thế giới và học để trở thành những công dân toàn cầu.

giáo viên,Giáo Viên Toàn Cầu

Năm 2018, khi tham gia một cuộc thi giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cô Phượng biết tới Diễn đàn giáo dục toàn cầu của Microsoft - nơi cộng đồng giáo viên trên khắp thế giới cùng thiết kế bài học, chia sẻ chuyên môn và hỗ trợ lẫn nhau. Điều này khiến cô Phượng vô cùng hào hứng.

Bằng cách tham gia vào cộng đồng giáo viên toàn cầu, cô Phượng đã “thu hẹp khoảng cách địa lý”, kết nối học sinh của mình với giáo viên và học sinh của các nước khác, mở ra những lớp học xuyên biên giới nhờ công cụ Skype.

Ban đầu chỉ là những giao lưu, trao đổi đơn thuần, dần dần, cô giáo 9X đã thiết kế ra những tiết học xuyên biên giới từ chính những nội dung trong sách giáo khoa. Giờ đây, ngồi ở hai nơi cách nhau nửa vòng trái đất, học trò hai bên vẫn có thể thảo luận về cùng một chủ đề.

“Ví dụ, khi học đến bài đọc về Dangdut – một loại nhạc dành cho giới trẻ của Indonesia, thay vì để học sinh đứng lên đọc bài, tìm ra ý chính, sau đó trả lời các câu hỏi trong sách là hoàn thành yêu cầu, tôi lại kết nối các em với lớp học ở Indonesia để tạo ra một buổi chia sẻ về sự khác nhau giữa quan họ và nhạc Dangdut.

Học sinh cả 2 nước sẽ cùng trình diễn, múa hát cho nhau nghe. Vì thế, ai cũng cảm thấy thích thú và hào hứng. Các em nhờ thế cũng sẽ nhớ bài học sâu hơn, tự tin hơn khi giao tiếp và còn tăng cả những hiểu biết về văn hóa, xã hội”.

giáo viên,Giáo Viên Toàn Cầu

Ban đầu, việc để học trò tự tin nói chuyện với người nước ngoài không phải dễ dàng.

“Tôi nhớ buổi học trực tuyến đầu tiên, tôi đã kết nối học trò với một thầy giáo người Brazil về chủ đề bóng đá. Nhưng khi thầy giáo xuất hiện trên màn hình, học trò của tôi rất ngại ngùng, bối rối. Những em vốn mạnh dạn nhất cũng chỉ biết nói “Hi, Hello”, sau đó cúi gằm mặt xuống. Từ buổi học đó, tôi biết mình đã thất bại và phải tự rút ra kinh nghiệm cho bản thân”.

Ngày hôm sau, thay vì chỉ kết nối với giáo viên, cô Phượng nhờ thầy giáo người Brazil này sắp xếp một buổi gặp gỡ giữa những học sinh Việt Nam với những học sinh bằng tuổi người Brazil. Dần dần, học trò cũng không còn cảm thấy e ngại mà hào hứng và “nhập cuộc” hơn trong những tiết học xuyên biên giới.

Cô Phượng tin rằng, chỉ cần được trao cơ hội, bất kỳ học sinh nào cũng có thể phát huy được khả năng của bản thân. Và dù ở đâu, học trò cũng đều được thừa hưởng một nền giáo dục tốt nhất.

giáo viên,Giáo Viên Toàn Cầu

Cũng kể từ khi được vinh danh là 1 trong 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu, cô Phượng nhận thấy mình càng cần cố gắng hướng tới cộng đồng nhiều hơn. Vì thế, cô đã trực tiếp đi chia sẻ về mô hình lớp học xuyên biên giới tới giáo viên tại các tỉnh thành trên khắp cả nước. Bên cạnh đó, cô giáo trẻ còn làm hơn 100 video dạy tiếng Anh miễn phí phát trên kênh YouTube; cùng học sinh thực hiện dự án quốc tế “Phòng chống bắt nạt trẻ em trên không gian mạng” nhằm trang bị cho học sinh kỹ năng tự bảo vệ mình.

giáo viên,Giáo Viên Toàn Cầu

Ngoài giờ lên lớp, cô giáo 9x người Mường còn cùng một nhóm giáo viên tham gia dạy trực tuyến miễn phí cho trẻ em ở các khu ổ chuột tại Ấn Độ. Cô cũng dành thời gian dạy văn hóa Việt Nam cho những đứa trẻ gốc Việt ở California (Mỹ).

“Tôi không ngần ngại làm những điều đó và nếu có thể, tôi luôn muốn dành hết thời gian cho những học sinh của mình”.

“Tôi quan niệm, khi thầy cô thay đổi, học sinh sẽ thay đổi. Do đó, tôi luôn nỗ lực hết mình để dạy học bằng các phương pháp sáng tạo. Tôi mong các em luôn chủ động, tự tin, để sẵn sàng bắt kịp và hòa nhập với sự phát triển tri thức toàn cầu”.

Những lớp học của cô giáo Hà Ánh Phượng giờ đây đã vượt qua những bụi chuối, lũy tre, vượt qua cả những cánh đồng, ngọn núi, vượt qua mọi biên giới để đưa những học trò trở thành công dân toàn cầu.

Theo Vietnamnet