Củng cố mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:34, 08/12/2020
Mặc dù vậy, đến nay liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp vẫn còn lỏng lẻo, câu chuyện phá vỡ hợp đồng bao tiêu trong sản xuất nông nghiệp vẫn cứ tái diễn.
Hiện nay, nông dân vẫn thường sản xuất theo kiểu "ăn chắc", nuôi trồng mỗi loại một ít để nếu mất cái này thì còn được cái kia. Hay làm theo kiểu phong trào, thấy người khác làm được cũng đua theo, rồi ồ ạt làm, sau đó đồng loạt phá bỏ. Trong khi doanh nghiệp thì cần vùng nguyên liệu ổn định cho chế biến, xuất khẩu. Do khó tìm được điểm chung trong tư duy sản xuất nên nông dân và doanh nghiệp thường khó bắt tay hợp tác trực tiếp. Vì thế mới xảy ra nghịch lý khi doanh nghiệp khan hiếm nguồn hàng thì người dân lại cần giải cứu nông sản. Dù cả hai chủ thể đã tính tới liên kết nhưng kết quả không mấy khả quan. Nông dân nhiều khi không tôn trọng các thỏa thuận đã ký kết, thấy ai mua giá cao hơn thì bán ra ngoài, sẵn sàng phá vỡ hợp đồng. Còn doanh nghiệp để tránh thua lỗ cũng có những tính toán riêng. Vậy nên lâu dần cả hai mất niềm tin ở nhau dẫn đến tâm lý ngại liên kết hoặc chỉ liên kết nửa vời.
Nông nghiệp là ngành dễ tổn thương trước những điều kiện ngoại cảnh như thời tiết, thị trường... Vì thế yếu tố chủ quan là chủ thể sản xuất và tiêu thụ phải ổn định, chắc chắn thì mới có thể bảo đảm được sự phát triển của ngành, tránh vòng luẩn quẩn được mùa mất giá đã đeo bám dai dẳng với ngành nông nghiệp bấy lâu nay. Hơn nữa, đặc thù của sản xuất nông nghiệp là mang tính mùa vụ, nếu không giải quyết tốt khâu chuyển giao giữa sản xuất và tiêu thụ thì hiệu quả kinh tế đạt được không cao. Chỉ có liên kết mới tháo gỡ được vướng mắc trên song hiện nay việc thực hiện liên kết không nhiều và liên kết chưa thực sự phù hợp với nhu cầu thực tế.
Xét cho cùng, cả nông dân và doanh nghiệp đều nhắm đến mục tiêu cuối cùng là lợi nhuận. Vì thế, nông dân không thể chỉ khi nào bị ép giá mới tìm đến doanh nghiệp và doanh nghiệp cũng không phải là nhà từ thiện để có thể giải cứu hết lần này đến lần khác. Ngược lại, doanh nghiệp cũng không nên vì muốn thu lợi tối đa mà thất hứa với người dân. Trong mối liên kết này, lợi ích giữa các bên phải bảo đảm sự hài hòa.
Tại Hải Dương, nơi vốn được coi là vựa nông sản của miền Bắc thời gian qua đã hình thành được nhiều mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp song vẫn còn tồn tại những bất cập. Doanh nghiệp có lợi thế về tài chính, thị trường còn nông dân có kinh nghiệm trong sản xuất, nhưng cả hai còn thiếu sự liên hệ và ràng buộc nên khó có thể tự xây dựng chuỗi liên kết bền vững. Hơn nữa nguồn vốn cần cho nông nghiệp rất lớn, doanh nghiệp không muốn mạo hiểm nên vẫn còn dè dặt trong đầu tư. Trước thực trạng này, tháng 12.2019, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 17/2019/NQ-HĐND về quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Vừa qua, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện nghị quyết. Theo đó, tổng mức hỗ trợ tối đa của 1 dự án liên kết là hơn 12 tỷ đồng, gồm chi phí tư vấn, làm hạ tầng, xây dựng mô hình khuyến nông, hỗ trợ vật tư nông nghiệp. Đây chính là động lực để các bên thắt chặt, củng cố mối liên kết, góp phần đưa ngành nông nghiệp hướng tới sản xuất bài bản, đồng bộ. Mặc dù vậy, việc thực hiện hỗ trợ phải có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chuyên môn để tránh tình trạng lợi dụng và trục lợi từ chính sách.
DŨNG CƯỜNG