Vì sao tai nạn lao động có xu hướng gia tăng?

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 12:04, 08/12/2020

Chủ sử dụng lao động chưa quan tâm an toàn vệ sinh lao động, người lao động lại chủ quan dẫn đến số vụ tai nạn lao động tăng, nhất là trong hoạt động xây dựng công trình.


Sự chủ quan của người lao động và chủ sử dụng lao động là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động chết người

Những năm gần đây, số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) có xu hướng tăng, chủ yếu do sự chủ quan của người lao động và chủ sử dụng lao động.

Chủ quan

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 74 vụ TNLĐ làm 76 người chết và 21 người bị thương nặng. Năm 2017 xảy ra 14 vụ, năm 2018 có 19 vụ, năm 2019 có 22 vụ. Riêng từ đầu năm đến hết tháng 11 xảy ra 19 vụ.

Số vụ TNLĐ xảy ra nhiều trong hoạt động thi công xây dựng công trình. Cuối tháng 6.2020 xảy ra vụ TNLĐ tại công trường thi công tòa nhà Hòa Xá ở đường Nguyễn Lương Bằng (TP Hải Dương). Trong khi đang hoàn thiện phía bên ngoài tầng 14 của tòa nhà, 2 công nhân rơi xuống giàn giáo làm 1 người tử vong, 1 người bị thương nặng.

Thực tế cho thấy ở các công trình xây dựng, nguy cơ tiềm ẩn TNLĐ luôn rất cao. Tại nhiều công trình xây dựng, công nhân hoàn thiện phía ngoài các tòa nhà cao tầng, giàn giáo treo lơ lửng trên tường, người lao động vô tư đi lại hoặc mải mê với công việc ở phía dưới nhưng không ai trang bị bảo hộ lao động như thắt dây an toàn, đội mũ bảo hộ...

Công nhân ngành xây dựng chủ yếu là lao động thời vụ và lao động tự do. Ý thức bảo hộ lao động của họ rất hạn chế do chưa được đào tạo bài bản. Anh Trần Văn H. (40 tuổi, trú tại huyện Gia Lộc) đang làm 1 công trình xây dựng ở TP Hải Dương thường xuyên làm việc trên giàn giáo cao không sử dụng phương tiện bảo hộ lao động. Anh bảo làm việc như vậy đã thành quen nên không thấy nguy hiểm. Trang bị bảo hộ khi làm sẽ vướng víu, mồ hôi ra khó chịu. Không chỉ anh H. mà nhiều công nhân xây dựng cũng chủ quan, coi thường tính mạng như vậy.

Qua các vụ TNLĐ cho thấy, nguyên nhân do đơn vị sử dụng lao động chưa đánh giá được đầy đủ các yếu tố có nguy cơ xảy ra TNLĐ để có biện pháp phòng ngừa. Nhiều đơn vị chưa xây dựng và triển khai đầy đủ nội quy, quy trình làm việc bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ); huấn luyện chưa đầy đủ về ATVSLĐ hay chưa trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; bố trí chưa đầy đủ cán bộ làm công tác ATVSLĐ có chuyên môn về kỹ thuật...

Về phía người lao động cũng chưa chấp hành đầy đủ nội quy, quy trình và biện pháp bảo đảm ATVSLĐ. Họ chưa sử dụng đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc. Chưa thực hiện quyền từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra TNLĐ đe dọa tính mạng hoặc sức khỏe của mình.

Chánh Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Huyên cho biết năm 2021, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội yêu cầu các địa phương tập trung thanh tra công tác ATVSLĐ tại các công trình xây dựng.

Nâng cao nhận thức

Hằng năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đều tổ chức tuyên truyền, thanh tra pháp luật lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp, trong đó có công tác ATVSLĐ.

Từ năm 2017 đến nay, sở đã thanh tra pháp luật lao động tại 64 doanh nghiệp và nhiều cuộc kiểm tra chuyên đề khác; phối hợp tham gia đoàn thanh tra của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Các cuộc thanh tra, kiểm tra đã tập trung vào các doanh nghiệp có nguy cơ cao về mất ATVSLĐ. Qua đó đã xử lý các doanh nghiệp vi phạm, kịp thời kiến nghị, chấn chỉnh, hướng dẫn thực hiện tốt quy định của pháp luật.

Bà Huyên cho biết thêm để giảm thiểu các vụ TNLĐ, ngoài công tác quản lý của cơ quan chức năng thì người sử dụng lao động phải thực hiện nghiêm các quy định, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ. Bộ phận ATVSLĐ, y tế tại doanh nghiệp, công đoàn cơ sở cần làm tốt công tác tham mưu, tăng cường tự kiểm tra, giám sát an toàn lao động. Tuyên truyền để người lao động chấp hành nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ.

Điều quan trọng là người lao động phải tự bảo vệ mình, tuân thủ các quy định, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ trong quá trình làm việc, thực hiện quyền từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc khi thấy có nguy cơ xảy ra TNLĐ.

THẾ ANH