Công ty Việt Nam sản xuất vaccine Covid-19 được định giá hơn 5.000 tỷ đồng
Công nghiệp - Ngày đăng : 11:00, 09/12/2020
Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen là một trong ba đơn vị đang nghiên cứu vaccine Covid-19 của Việt Nam. Trong đó, nhà sản xuất vaccine Nanocovax dự kiến là đơn vị đầu tiên thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người.
Được chú ý khi là ứng viên sáng giá hiện thực hóa giấc mơ vaccine Covid-19 của Việt Nam nhưng Nanogen từ trước đã là một doanh nghiệp sản xuất dược phẩm có tiếng, với các dòng sản phẩm thuốc, chế phẩm sinh học đặc trị.
Trong đợt tăng vốn gần nhất đầu năm 2019, tỷ lệ vốn ngoại trong Nanogen tăng từ 16,28% lên 25,68% với sự tham gia chủ yếu của các quỹ và cá nhân đến từ Hàn Quốc. Một đối tác Việt Nam tham gia thương vụ này là Công ty chứng khoán KIS Việt Nam, cũng là doanh nghiệp có vốn Hàn Quốc.
Theo báo cáo tài chính của KIS, doanh nghiệp này đã chi ra 11,575 tỷ đồng cho 162.500 cổ phần của Nanogen, tương đương mức định giá hơn 71.000 đồng cho mỗi cổ phần. Căn cứ theo mức giá này, định giá của Nanogen khoảng 5.100 tỷ đồng, cao hơn các doanh nghiệp dược phẩm lớn trên sàn chứng khoán như Imexpharm hay Traphaco.
Vaccine thành phẩm của Nanogen có tên Nanocovax, chia thành ba hàm lượng gồm 25 mcg, 50 mcg và 75 mcg
Trên website, Nanogen tự giới thiệu là nhà nghiên cứu, phát triển và ứng dụng thành công các tiến bộ của ngành công nghệ sinh học đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam. Thành tựu chính của doanh nghiệp này đến từ việc sản xuất nguyên liệu dược và thành phẩm thuốc tiêm đặc trị từ công nghệ DNA/protein tái tổ hợp hàng đầu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Công ty này được thành lập tháng 9.1997, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc là ông Hồ Nhân.
Lớn lên ở New York, ông Nhân lấy bằng tiến sĩ công nghệ sinh học tại Đại học Arizona. Chia sẻ với Forbes, ông cho biết có 20 năm nghiên cứu công nghệ sinh học ở nước ngoài trước khi về Việt Nam lập công ty sản xuất thuốc sinh học trị liệu. Sự xuất hiện của các công ty như Nanogen khiến các đơn vị nghiên cứu thị trường, như BMI thời điểm cách đây một thập kỷ, đánh giá ngày càng khó khăn hơn cho các công ty đa quốc gia để chen chân vào thị trường mới nổi.
Vụ kiện của tập đoàn đa quốc gia Roche tố cáo Nanogen vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ với thuốc điều trị viêm gan siêu vi B và siêu vi C năm 2010 là một ví dụ về sức nóng cạnh tranh. Thời điểm đó, ông Nhân khẳng định mình không vi phạm quyền được bảo hộ trí tuệ sản phẩm của Roche. Trong khi đó, với cùng chức năng điều trị nhưng thuốc tiêm Pegnano của Nanogen có giá bán chỉ bằng 1/3 giá thuốc nhập.
Đến cuối năm 2019, Nanogen có tổng tài sản hơn 1.300 tỷ, với vốn điều lệ đạt 715 tỷ đồng.
Ngoài kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực công nghệ sinh học, ông Hồ Nhân từng có thời gian làm việc trong lĩnh vực tài chính. Ông từng tham gia Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Vina (VNSC) trong giai đoạn 2013-2016. Theo Forbes, nhà công nghệ sinh học này vốn có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, qua các thương vụ mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực dược, bệnh viện, thiết bị y tế tại Mỹ và Hồng Kông.
Theo VnExpress