Ăn cỗ cưới dưới lòng đường
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:34, 12/12/2020
Rạp cưới vi phạm quy định an toàn giao thông, ít thì lấn 1/3 lòng đường, nhiều có khi chiếm trọn cả một chiều đường hay nguyên một con ngõ.
Ở khu vực nông thôn, việc dựng rạp cưới hỏi tương đối dễ dàng do người dân có sân, vườn rộng rãi. Tuy nhiên, ở thành phố hay các khu đô thị, người dân sinh sống bám mặt đường thì tổ chức đám cưới tại nhà không hề đơn giản. Nhiều gia đình vì thế đã biến vỉa hè, lòng đường, lề đường thành sân nhà, biến không gian công cộng thành “tư dinh” để dựng rạp.
Thông thường, rạp cưới được gia chủ dựng 1 ngày trước ngày cưới. Lúc này, các phương tiện bất đắc dĩ đi qua một chiếc “hầm đường bộ” bằng phông bạt kéo dài hàng chục mét. Đến ngày cưới, khi gia chủ đã bày bàn ghế vào rạp thì một phần đường bị chặn hoàn toàn, chỉ còn người đi bộ hoặc phương tiện nhỏ có thể lách qua. Để làm “vừa lòng” người đi đường, tấm biển báo với nội dung như “nhà có việc, xin đi đường khác”, “nhà có việc, xin nhường đường”… được chủ nhà dựng lên 2 đầu rạp.
Đường bị chiếm dụng, người đi đường chỉ còn cách chen chúc trong phần diện tích lòng đường nhỏ hẹp còn lại hoặc phải tìm hướng đi khác. Việc ngang nhiên chiếm dụng đường đi đã gây ra nhiều phiền toái và bức xúc, nhưng người qua đường một phần ngại góp ý, phần thì tặc lưỡi “thôi ngày vui cả đời con cái nhà người ta”. Với người dân khu phố, vì tình làng nghĩa xóm hoặc để tránh phiền phức cũng đành nín nhịn dù không ít người tỏ ra lo lắng, bất an, khó chịu khi ăn cỗ cưới ngay dưới lòng đường.
Trong rạp, quan khách, người nhà tưng bừng chúc phúc, ngoài đường các phương tiện qua lại rầm rập, còi xe inh ỏi. Và đằng sau cái không khí náo nhiệt của những buổi hôn lễ đó là không ít nguy hiểm, đe dọa an toàn cho người đi đường và cả những người dự tiệc. Ranh giới giữa an toàn và tai nạn giao thông chỉ là một bức rèm lụa mỏng manh. Không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra trên cả nước, cướp đi mạng sống biết bao người cũng chỉ vì rạp cưới lấn chiếm đường.
Theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30.12.2019 của Chính phủ, tổ chức và cá nhân vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ như dựng rạp, chiếm dụng lòng đường làm nơi trông giữ xe… sẽ bị phạt tiền, buộc phải tháo dỡ và khôi phục tình trạng ban đầu cho đường giao thông.
Quy định có, bài học từ các vụ tai nạn cũng có nhưng đáng buồn là thực trạng này vẫn tiếp diễn. Giải thích vì sao lại lấy vỉa hè, lòng đường làm hôn trường, hầu như người nào cũng cho rằng đây là việc làm bất đắc dĩ vì khuôn viên nhà chật chội, không có điều kiện để tổ chức ở nhà hàng, khách sạn. Các địa phương mặc dù đã tích cực tuyên truyền tới người dân về thực hiện nếp sống văn hóa như không dựng rạp cưới dưới lòng đường, gây mất mỹ quan đô thị nhưng vì nể nang, chưa có giải pháp hiệu quả nên các con đường vẫn đầy rẫy phông bạt mỗi khi vào mùa cưới.
Để trả lại sự thông thoáng cho lòng đường, lề đường cũng như ngăn ngừa thảm họa tai nạn giao thông luôn rình rập từ những rạp cưới chiếm đường, ngoài xử phạt theo quy định, cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cũng cần tạo điều kiện và vận động người dân tổ chức cưới hỏi tại nhà văn hóa thôn, khu dân cư (đối với gia đình khó khăn); nghiên cứu, định hướng quy hoạch xây dựng, bổ sung không gian công cộng phục vụ nhân dân...
Để hướng tới nếp sống văn hóa, từng bước hạn chế và chấm dứt tình trạng rạp cưới dựng dưới lòng đường thì nỗ lực từ chính quyền địa phương là chưa đủ. Người dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức chấp hành quy định chung trong tổ chức hiếu, hỷ để bảo đảm an toàn, tiết kiệm, văn minh.
HOÀNG THỤC