Giữ ổn định tuyển sinh đại học đến năm 2025
Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 14:50, 12/12/2020
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục đại học, cho biết thông tin trên trong hội thảo giáo dục đại học năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 12.12.
Theo bà Thủy, năm 2020, dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19, công tác thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học đã được điều chỉnh kịp thời. Với tổng chỉ tiêu đại học chính quy gần 460.000, đã có gần 413.000 sinh viên nhập học, đạt 89,84%. Trong giai đoạn 2017-2020, đây là năm có số thí sinh nhập học cao nhất.
Cũng trong năm 2020, quy chế, quy trình tuyển sinh được hoàn thiện. Công nghệ thông tin được áp dụng ở nhiều khâu đảm bảo được tính khách quan, giảm tối đa thí sinh ảo và kiểm soát được tình trạng vượt chỉ tiêu tuyển sinh.
Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến giữ ổn định công tác tuyển sinh giai đoạn 2021-2025 và từng bước hoàn thiện mô hình kỳ thi như năm 2020, trong đó có sự phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và việc triển khai của địa phương, cơ sở giáo dục đại học.
Vụ trưởng Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy thông tin về công tác tuyển sinh
Về phương án tuyển sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các trường tiếp tục thực hiện quyền tự chủ như sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, có thể tổ chức thi tuyển sinh theo nhóm trường theo hướng gọn nhẹ, thi trong một buổi nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh. Các trường nên giữ ổn định trong nhiều năm. Nếu có thay đổi lớn, trường cần thông báo trước 2-3 năm.
Vụ trưởng Giáo dục đại học thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tính tới việc hình thành các tổ chức, trung tâm khảo thí độc lập với ngân hàng đề thi chuẩn hóa, thi trên máy tính. Thí sinh có thể thi nhiều lần trong năm mà vẫn đảm bảo được tính minh bạch, công bằng giữa các lần thi.
GS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, ủng hộ chủ trương giữ ổn định công tác tuyển sinh trong 5 năm tới bởi "nếu chuyển đổi phải có thời gian chứ không thể thực hiện ngay lập tức".
Kết quả tuyển sinh năm 2020 cho thấy ít nhất 50% chỉ tiêu các trường vẫn dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, ông Tú đề nghị Bộ tiếp tục phát huy vai trò "cầm cái" nhằm đảm bảo kỳ thi được diễn ra nghiêm túc, tạo niềm tin để các trường tiếp tục sử dụng. "Bộ cần tiếp tục duy trì việc lọc ảo, cố gắng đảm bảo tính phân loại để các trường tuyển sinh tốt hơn", ông Tú nói.
Ông Nguyễn Hữu Tú phát biểu trong hội thảo trực tuyến sáng 12.12
Bà Lê Thu Thủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Ngoại thương, cũng ủng hộ việc tiếp tục ổn định phương thức tuyển sinh, đặc biệt là sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bà cũng đồng tình với phương án thành lập các trung tâm khảo thí độc lập để tổ chức thi với cách thức tương tự những gì thế giới đang làm nhằm tạo điều kiện cho các trường và cả thí sinh.
"Để làm việc này, thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chuẩn bị các quy định pháp lý, các trường đại học, THPT và học sinh cũng cần có sự chuẩn bị trong 3-5 năm tới", bà Thủy nêu ý kiến.
Ông Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, ủng hộ phương án của Bộ. Bên cạnh sử dụng kết quả từ kỳ thi tốt nghiệp THPT, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã có kế hoạch xây dựng bài thi đánh giá năng lực để thêm phương thức tuyển sinh. Trường mong Bộ ủng hộ phương thức này.
Trong khi đó, đại diện Đại học Đà Nẵng mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm công bố kế hoạch tuyển sinh năm 2021 và lộ trình cụ thể giai đoạn 2021-2025 nhằm ổn định cách dạy ở trường THPT và để các trường đại học lên phương án, ổn định phương thức tuyển sinh.
Tiếp nhận ý kiến từ các đại học, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết thời gian tới sẽ giữ ổn định phương thức xét tuyển chủ yếu dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT như năm qua, với những cải tiến chủ yếu về mặt kỹ thuật như ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận tiện hơn cho thí sinh và nhà trường.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng nhấn mạnh các trường cần tăng cường tự chủ trong tuyển sinh. "Với những đại học muốn tuyển chọn thí sinh có năng lực chuyên biệt, Bộ khuyến khích có thể thống nhất kết hợp thành nhóm, tổ chức bài thi đánh giá năng lực gọn nhẹ, kết quả được sử dụng cho công tác tuyển sinh của nhiều trường", ông Sơn nói.
Về việc tiến tới thành lập trung tâm khảo thí độc lập, ông Sơn cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao Cục Quản lý chất lượng xây dựng quy chế về những điều kiện, yêu cầu chuẩn mực về đề thi, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, công nghệ thông tin nhằm đảm bảo tổ chức thi, bài thi được chuẩn hóa, tính công bằng, khách quan tuyệt đối để các trường tin tưởng và sử dụng kết quả.
Trước khi có trung tâm khảo thí độc lập, việc thi tốt nghiệp THPT vẫn được tổ chức thi trên giấy. Nơi nào có điều kiện có thể tổ chức thi trên máy tính bởi việc này sẽ gọn nhẹ hơn nhiều, giảm sự can thiệp của con người và có kết quả ngay.
Theo VnExpress