''Mẹ tôi bị mắc kẹt trong căn bếp''
Đời sống - Ngày đăng : 09:44, 13/12/2020
Câu nói của con trẻ vốn cũng chỉ nghe từ những người lớn xung quanh. Hẳn ai đó đã khiến cậu bé tin rằng hai chữ “nội trợ” đồng nghĩa với thất nghiệp. Cứ như thể, người ta chỉ làm một người nội trợ toàn thời gian khi không thể làm một công việc nào khác.
Và nhiều chục năm trôi qua, tôi vẫn luôn nghĩ về câu nói đó, được phát ra một cách hồn nhiên từ miệng một đứa trẻ tám tuổi.
Nhìn thấy phần nghề nghiệp của mẹ tôi ghi hai chữ “nội trợ,” một cậu bạn cùng bàn đã bảo tôi rằng mẹ tôi thất nghiệp |
Nội trợ không được xem là việc?
Thật vậy, có một định kiến xã hội phũ phàng đã tồn tại từ lâu: Phụ nữ không có việc làm chính danh, mà chỉ ở nhà nội trợ đồng nghĩa với sự vô dụng và ăn bám chồng.
Nghĩa là, trong cách nhìn này, cứ phải “ra đường” và làm một công việc “danh chính ngôn thuận” nào đó, dù chỉ là một nhân viên lễ tân với đồng lương khiêm tốn, mới là “việc”, còn nội trợ, do chỉ là tập hợp của những “việc không tên”, nên không được xem là việc.
Có thật vậy chăng?
Tôi còn nhớ, trong một lần mẹ vắng nhà, liên tục cả tuần đó, tôi phải dậy từ sáng sớm để chuẩn bị bữa ăn cho cả ngày, cùng với dọn dẹp, giặt đồ (nhà tôi khi đó không có máy giặt), đổ rác, lau tất cả phòng trong nhà, tưới cây…
Và tôi kiệt sức. Những công việc vốn dĩ bị xem là “không tên” nhưng lại có khối lượng đủ lớn để vắt kiệt sức lẫn thời gian trong ngày của tôi, một nam thanh niên trẻ khỏe.
Rút kinh nghiệm từ ngày đầu tiên, vào những ngày còn lại, tôi phải viết kế hoạch làm việc vào một sổ tay. Việc nào làm trước. Việc nào làm sau. Món gì làm trước và món gì làm trong lúc chờ món trước chín.
Tuy tôi đỡ mệt hơn, nhưng trải nghiệm đóng vai một người nội trợ suốt một tuần mẹ vắng nhà đã đủ để dạy cho tôi hiểu: Nội trợ cũng vất vả, hao tổn thể lực và tinh thần cũng như phức tạp không kém bất cứ nghề nghiệp kiếm tiền chính danh nào khác – ít nhất trong lĩnh vực lao động thể chất.
Nội trợ cũng vất vả, hao tổn thể lực và tinh thần cũng như phức tạp không kém bất cứ nghề nghiệp kiếm tiền chính danh nào khác. Ảnh: Getty. |
Làm toàn thời gian không được trả lương
Một kết quả tìm kiếm nhanh trên hàng loạt trang web và ứng dụng cung ứng dịch vụ nội trợ (bao gồm các tác vụ cơ bản như lau dọn nhà, lau dọn nhà kèm hút bụi rèm cửa, ghế sofa, lau dọn nhà kèm nấu ăn vân vân…) cho thấy tiền công cho một giờ nội trợ có giá dao động khoảng 140-150.000 đồng.
Bằng một phép nhân đơn giản, nếu một người làm nội trợ toàn thời gian 14 tiếng mỗi ngày (đã trừ ra 8 tiếng ngủ và 2 tiếng cho ăn uống và vệ sinh cá nhân, nhưng chưa kèm thời gian để giải trí và những hoạt động tái tạo tinh thần khác) suốt 30 ngày trong tháng, thì thu nhập của họ sẽ là (150.000 đồng x 14) x 30 = 63 triệu đồng.
Con số này bằng khoảng 2.721 USD, ngang bằng hoặc nhỉnh hơn lương tháng cố định của một kỹ sư công nghệ thông tin có thâm niên và thậm chí còn cao hơn lương tháng cố định của một giám đốc chi nhánh ngân hàng có kinh nghiệm.
Và đây chính là công việc mà đa phần những người làm nội trợ đang làm hoàn toàn miễn phí cho gia đình của họ mỗi ngày.
Sau một ngày đi học hoặc đi làm mệt mỏi về nhà, đa phần chúng ta đều được mẹ chào đón bằng một ly nước hoa quả mát lịm, bên trong ngôi nhà lúc nào cũng gọn gàng, ngay ngắn, sạch sẽ, thoang thoảng mùi nước thơm lau nhà, trên bàn lúc nào cũng có một lọ hoa, trong tủ lạnh lúc nào cũng sẵn sàng trái cây gọt sẵn, quần áo của cả nhà lúc nào cũng được giặt ủi thơm tho phẳng phiu.
Và tất cả những điều này đòi hỏi một khối lượng công việc khổng lồ, được đảm đương bởi một sự tận tụy, trách nhiệm và tình cảm to lớn của người phụ nữ dành cho tổ ấm của họ mà khó có thể quy đổi ra tiền bạc.
Và nếu phải quy đổi ra tiền bạc, thì chúng ta sẽ có con số trên kia, một mức thu nhập thậm chí cao hơn chính thu nhập của chồng họ.
Chưa hết, về phương diện tâm linh, một bàn tay nội trợ đảm đang sẽ giúp duy trì cái-gọi-là “sinh khí”, hoặc nói theo lối dân dã là “hơi người” cho ngôi nhà của chúng ta.
Khối lượng công việc khổng lồ, được đảm đương bởi một sự tận tụy, trách nhiệm và tình cảm của người phụ nữ dành cho tổ ấm |
Định nghĩa thế nào là “sinh khí” cũng hơi mông lung, chỉ biết nó là một thứ năng lượng tích cực và vô hình chỉ tồn tại nơi những ngôi nhà có hoạt động thường xuyên của con người.
Một ngôi nhà không có người ở, hoặc có nhưng không được người ở để tâm chăm sóc, thì không có loại năng lượng này. Cảm giác “ấm cúng” mỗi khi ta đặt chân vào cửa nhà, chính là “sinh khí” được góp phần tạo ra bởi bàn tay của người phụ nữ đảm đương nội trợ cho ngôi nhà ta sống.
Nên, khi đọc tới đây, nếu bạn có mẹ làm nội trợ toàn thời gian, hoặc bất cứ người quen nào của bạn có mẹ làm nội trợ toàn thời gian, vẫn còn kịp để bạn dành cho họ một cái nhìn khác, mới mẻ hơn, và công bằng hơn, cho những gì họ đã và đang làm cho tổ ấm của mình.
Cách tốt nhất để giúp nâng cao chất lượng cuộc sống con người nói chung, và vai trò của những bà nội trợ nói riêng, bắt đầu bằng xóa bỏ những định kiến không còn phù hợp với dòng chảy của sự văn minh và nhân bản.
Theo Zing