Phụ nữ Thanh Hà làm đẹp làng quê
Đời sống - Ngày đăng : 14:13, 15/12/2020
Đến nay, đã có 20 cơ sở hội phụ nữ ở Thanh Hà thành lập tổng số 37 mô hình “Làn xanh đi chợ” với trên 2.000 thành viên tham gia
Tại gia đình bà Ngô Thị Thơm, hội viên phụ nữ ở thôn 2, xã Thanh Xá luôn có 2 chiếc thùng đựng rác để gọn gàng ở góc sân. Một thùng chứa rác thải hữu cơ như thức ăn thừa, rau củ quả, trái cây, cỏ, lá cây... Một thùng đựng rác vô cơ như túi nilon, vỏ chai, hộp nhựa, bình thủy tinh... đã qua sử dụng hoặc vỡ, hỏng.
Bà Thơm cho biết thực hiện việc phân loại rác thải tại gia đình do HPN phát động, các loại rác hữu cơ sẽ được chôn lấp và dùng làm phân bón cho cây trồng. Các loại rác vô cơ có thể tái chế bà gom lại và bán cho các cửa hàng thu mua phế liệu, số tiền thu được dùng để hỗ trợ các hội viên hoàn cảnh khó khăn và học sinh nghèo vượt khó. "Tôi thấy việc làm này rất ý nghĩa, vừa có thể giúp đỡ được những hộ còn khó khăn, vừa bảo vệ được môi trường sống", bà Thơm nói.
Chị Trần Thị Năm, Chủ tịch HPN xã Thanh Xá cho biết đến nay HPN xã đã thành lập 5 mô hình phân loại rác thải tại gia đình, tất cả hội viên phụ nữ tham gia. Hội còn thành lập được 4 mô hình “Làn xanh đi chợ” với 150 thành viên, phát tổng số 300 chiếc làn nhựa; 1 tổ thu gom rác thải gồm 8 thành viên, với thu nhập từ 1,5 - 4 triệu đồng/người/tháng. Hội còn xây dựng tuyến đường hoa dài 5,5 km. Vào tuần thứ hai của tháng, hội viên nhặt cỏ, chăm sóc đường hoa và dọn vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm.
Hưởng ứng phong trào “Phòng chống rác thải nhựa”, HPN huyện tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập mô hình “Làn xanh đi chợ” với mục tiêu hành động “một việc làm nhỏ mang ý nghĩa lớn”, tập trung tuyên truyền nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khi sử dụng thường xuyên túi nilon. Từ đó, vận động chị em tránh lạm dụng túi nilon. Kết quả, đến nay đã có 20 cơ sở hội thành lập tổng số 37 mô hình “Làn xanh đi chợ” với trên 2.000 thành viên. Để thay thế cho túi nilon, hơn 1.950 chiếc làn nhựa tổng trị giá 53 triệu đồng đã được HPN cơ sở trao tặng cho hội viên, góp phần từng bước thay đổi thói quen và tiến đến không sử dụng túi nilon khi đi chợ, mua sắm.
HPN huyện cũng đã thành lập mô hình điểm “Chi HPN phân loại và xử lý rác hữu cơ tại gia đình” ở xã Thanh Xuân với 50 thành viên. Vận động các hộ có vườn tự đào hố hoặc có thể tận dụng các vật dụng sẵn có trong gia đình để xử lý rác thành phân bón. Qua phân loại rác tại nguồn, đến nay các cơ sở hội đã vận động hội viên tiết kiệm từ nguồn rác thải tái chế được gần 18 triệu đồng. Có 3 cơ sở đã trích quỹ mua tặng hơn 1.950 làn nhựa cho các gia đình.
Thực hiện Cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch", năm 2019, toàn huyện còn 3.868 hộ hội viên chưa đạt 8 tiêu chí. HPN huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động lên kế hoạch giúp 126 hộ. Dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10 vừa qua, HPN các xã, thị trấn tổ chức cho hội viên tự rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí của cuộc vận động. Kết quả, toàn huyện đã giúp được 126 hộ đạt các tiêu chí “5 không, 3 sạch”, trong đó có 102 hộ thoát nghèo.
Đến nay đã có 18 cơ sở hội trong huyện xây dựng được các tuyến đường hoa với tổng chiều dài hơn 41,5 km, đảm nhiệm dọn vệ sinh môi trường vào các ngày 20 và 25 hằng tháng, các dịp lễ, Tết...
Chị Hoàng Thị Chiên, Chủ tịch HPN huyện Thanh Hà cho biết mô hình xây dựng các tuyến đường hoa và phụ nữ thu gom, phân loại rác từ trong gia đình đã góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra, làng quê nhờ đó cũng sạch, đẹp hơn. Số tiền thu được từ bán rác thải tái chế cho hội viên nghèo vay phát triển kinh tế.
ĐỨC ANH