Hiện đại còn bao xa?
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:42, 17/12/2020
Chờ 1 tiếng để được vào nộp lệ phí và hơn 2 tiếng chưa đến lượt vào lấy thông báo nộp thuế là những gì tôi vừa trải qua khi đến lấy kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến đất đai tại bộ phận "một cửa" (BPMC) TP Hải Dương mới đây. Trước đó 10 ngày, tôi cũng phải đợi vài tiếng đồng hồ để vào nộp một bộ hồ sơ trong vòng chưa đầy 5 phút. Tình cảnh ấy không phải chỉ của riêng tôi.
Các giao dịch hành chính liên quan đến đất đai của TP Hải Dương luôn sôi động. Bằng chứng là với 2 quầy phục vụ lĩnh vực tài nguyên - môi trường tại BPMC, nhưng 9 giờ sáng, khi tôi bấm vào bảng điện tử để lấy số thì lượt của tôi đã ở vị trí ngoài 70, trong khi lượt phục vụ mới dừng ở số 10. Nếu mỗi lượt, thời gian giao dịch chỉ 5 phút (thực tế thời gian nhiều giao dịch còn lâu hơn thế) thì chừng ấy người cũng đã hết 350 phút (gần 6 tiếng đồng hồ), trong khi giờ làm việc buổi sáng tại đây chỉ từ 8-11 giờ 30 vào mùa đông.
BPMC TP Hải Dương thuộc diện hiện đại nhất nhì tỉnh. Về lý thuyết, với việc lấy số tự động, tra cứu thông tin tiến trình giải quyết thủ tục qua mạng, phòng chờ có nước uống, có bàn và ổ cắm điện phục vụ khách tranh thủ giải quyết công việc trên máy tính, hẳn công dân sẽ chẳng có gì phải phàn nàn khi thủ tục được giải quyết đúng quy định. Thế nhưng thực tế chờ đợi của những vị khách như tôi cho thấy để đạt được mục tiêu nhanh, gọn trong giải quyết TTHC của thời "chuyển đổi số" có lẽ vẫn còn khoảng cách khá xa.
Vì sao có sự chậm trễ này? Tôi cho rằng vấn đề vẫn nằm ở cơ chế, ở cách làm việc. Ví dụ, với việc nộp phí và lệ phí cũng như các loại thuế, nếu BPMC có thể gửi tin nhắn qua điện thoại thông báo đến khách hàng số tiền phải nộp, số tài khoản nhận tiền, hẳn là công dân chỉ mất 1-2 phút làm thao tác chuyển khoản, thay vì phải ngồi đợi cả tiếng đồng hồ và Nhà nước cũng không phải trả lương cho công chức làm việc thu tiền tại quầy. Việc công chức lật tìm hồ sơ một cách thủ công cũng mất khá nhiều thời gian, chưa kể trong lúc giải quyết công việc với công dân, họ có thể phải dừng lại để nghe, gọi điện thoại.
Nếu các TTHC, trong đó có TTHC về đất đai có thể thực hiện trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4, thì cảnh chờ đợi đến lượt vào làm thủ tục sẽ giảm nhiều, thậm chí không còn. Nhưng bao giờ sẽ đến ngày đó? Có ý kiến cho rằng chỉ cần tỉnh quyết tâm, ngành chức năng sẵn sàng hỗ trợ về mặt công nghệ để đạt mục tiêu trên trong thời gian rất ngắn. Vì vậy vấn đề là quyết tâm của chính quyền cao đến đâu thôi.
Tôi từng hỏi một vài cán bộ huyện về việc xây dựng chính quyền điện tử. Có người lo ngại vấn đề kinh phí, có người băn khoăn về trình độ cán bộ, về khả năng tiếp cận dịch vụ công trực tuyến của công dân... Những băn khoăn đó là có cơ sở nhưng không khó giải quyết. Về kinh phí, thay vì tập trung nguồn lực để xây dựng một trung tâm hành chính tập trung, các địa phương có thể dành kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu giải quyết TTHC trực tuyến. Về đội ngũ cán bộ, công chức, trong tình thế buộc phải giải quyết TTHC trực tuyến tôi tin rằng có nhiều sự lựa chọn, hoặc công chức phải tự học tập, nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu công việc hoặc cơ quan nhà nước phải tuyển dụng người có trình độ phù hợp để làm việc này. Đối với công dân, cần khảo sát cụ thể khả năng tiếp cận dịch vụ công trực tuyến để đưa ra lộ trình thực hiện phù hợp, theo hướng tăng dần số người dùng. Cũng như với cán bộ, công chức, khi cơ hội giao dịch trực tiếp giảm, người dân sẽ buộc phải học cách thích ứng với việc giải quyết TTHC qua mạng.
Một nền hành chính hiện đại sẽ không còn quá xa khi chúng ta quyết tâm bắt tay vào thực hiện ngay từ hôm nay.
HOÀI ANH