Người nhấn nút bắn rơi chiếc B52 đầu tiên trên bầu trời Hà Nội
Tin tức - Ngày đăng : 12:23, 18/12/2020
Bệ phóng tên lửa của Tiểu đoàn Tên lửa phòng không 59, Trung đoàn Tên lửa phòng không 261, Sư đoàn Phòng không 361 bắn rơi chiếc B52 đầu tiên đang được trưng bày tại Bảo tàng Phòng không-Không quân
Đó là cựu chiến binh Dương Văn Thuận.
Đã 57 năm ra trường, Dương Văn Thuận, học sinh lớp 7B, Trường cấp II Trần Phú Hải Dương (THCS Trần Phú, TP Hải Dương hiện nay) mới có dịp về thăm lại trường xưa. Nhân dịp này, chúng tôi được nghe chuyện về lần bắn rơi chiếc B52 đầu tiên của quân và dân ta năm 1972 mà ông là người nhấn nút.
Tháng 6.1965, ông Thuận xung phong vào bộ đội, trở thành chiến sĩ phòng không thuộc Đại đội 6, Trung đoàn Pháo binh 2, Quân khu Tây Bắc. Hơn 1 năm sau, ông Thuận được cử đi học tại Trường Sĩ quan thông tin, rồi được điều đến Trung đoàn Tên lửa 261, Sư đoàn 361 Quân chủng Phòng không - Không quân. Cuối năm 1968, ông Thuận được gửi sang Liên Xô học chuyển loại binh chủng, trở thành sĩ quan điều khiển tên lửa.
Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, ông Thuận thuộc quân số của Tiểu đoàn Tên lửa phòng không59, Trung đoàn Tên lửa phòng không261, Sư đoàn Phòng không 361 (còn gọi là Sư đoàn Phòng không Hà Nội). Trong cuộc chiến tranh, Tiểu đoàn 59 của ông trực tiếp tham gia 47 trận, bắn rơi 9máy bay các loại của Mỹ, trong đó có 3chiếc B52.
Đáng nhớ nhất là lần đầu bắn rơi máy bay B52 của Mỹ. Vào 10 giờ 30 ngày 18.12.1972, nhiều lớp máy bay địch xuất hiện, trong đó có B52. Tại trận địa Cổ Loa, Tiểu đoàn 59 đã phóng 4 quả tên lửa nhưng không trúng mục tiêu. Khoảng hơn 20 giờ, một tốp B52 có F111 hộ tống bay vào từ hướng Tam Đảo, kíp trắc thủ căng mắt nhìn màn hiện sóng để xác minh nhiễu của B52. Bất chợt, cả 3 trắc thủ đều đồng thanh báo cáo: “Có nhiễu B52”. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thắng hạ lệnh phát sóng, nhưng các dải nhiễu lại dày đặc, đan chéo vào nhau, không xác định được tọa độ B52. Hồi hộp, căng thẳng, đúng lúc đó một ý nghĩ vụt lóe lên, sĩ quan Dương Văn Thuận lệnh cho các trắc thủ tập trung vào hướng chủ yếu nâng cao tần số, liền phát hiện được dải nhiễu đậm, sáng mịn hơn. Đích thực của B52 rồi, toàn kíp hợp đồng bám sát mục tiêu, đợi đến khi chiếc đi đầu vào đến cự ly 36km, Tiểu đoàn trưởng hạ lệnh “phóng”. Lúc đó, Dương Văn Thuận bình tĩnh lạ thường, mắt không rời mục tiêu, tay bấm nút phóng liền 2 quả tên lửa rồi hợp đồng cùng 3 trắc thủ điều khiển đạn trúng đích. Đạn nổ. Ngay lập tức trên màn hình mất dải nhiễu, xuất hiện một vệt sáng rơi nhanh xuống đất. Chiến sĩ quan sát báo cáo: “Máy bay cháy rồi”. Như có một sức mạnh vô hình, cả kíp trắc thủ bật dậy reo lên: “B52 cháy rồi”. Tiếng reo vỡ òa trong niềm mong đợi, dồn nén bấy lâu. Lúc đó là 20 giờ 13 ngày 18.12.1972. Ngay đêm ấy, chỉ huy trung đoàn đã cử người lên cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, huyện Đông Anh (Hà Nội) - nơi chiếc máy bay rơi để xác minh. Tổ công tác đã mang về mảnh xác chiếc B52G và tấm phù hiệu của không lực Hoa Kỳ “AIR-CRAFT-MODEL B52G”.
Lần đầu tiên bắn rơi B52 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, xua tan bao lo lắng căng thẳng của bộ đội phòng không và mở màn cho thảm bại của cái gọi là “pháo đài bay bất khả chiến bại”. Sau trận đêm 18.12, ông Dương Văn Thuận còn tham gia bắn rơi 2 máy bay B52 nữa, góp phần làm nên chiến công hiển hách "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".
Ghi nhận công lao, chiến công của đơn vị, Đảng và Nhà nước đã trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Tiểu đoàn Tên lửa 59 và hai cá nhân là đồng chí Nguyễn Thắng - Tiểu đoàn trưởng và Đại đội trưởng, sĩ quan điều khiển Dương Văn Thuận. Sau đó, ông Thuận được cử đi học tại Học viện Phòng không và trở thành giảng viên Khoa Xạ kích. Năm 1981, ông chuyển vào Nam công tác tại Sư đoàn 367 rồi về nghỉ hưu năm 1992 với hàm trung tá.
HOÀNG VĂN NGUYỆN