Biến thể virus corona ở Anh nguy hiểm ra sao?

Tin tức - Ngày đăng : 17:35, 21/12/2020

Một số nước châu Âu đã ra lệnh cấm đi lại với Anh sau khi Anh phát hiện một biến thể mới của virus corona, gây lây nhiễm mạnh hơn.

Biến thể virus corona ở Anh nguy hiểm ra sao, ngoài ra còn những biến thể nào? - Ảnh 1.

London phát thông điệp kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác trước các ca nhiễm tăng cao ở Thủ đô của Anh ngày 20.12 - Ảnh: REUTERS

Theo BBC, các đột biến virus là điều bình thường và các biến thể của virus corona đã được phát hiện ở một số quốc gia khác. Tuy nhiên, biến thể VUI-202012/01, xuất hiện ở đông nam nước Anh, thu hút sự chú ý vì lây lan nhanh hơn.

Các nhà khoa học phát hiện biến thể này lần đầu tiên vào tháng 9. Đến tháng 11, khoảng 1/4 ca nhiễm mới ở London là do VUI-202012/01, và đến giữa tháng 12 con số này tăng lên gần 2/3. Chính phủ Anh thông báo biến thể mới có khả năng lây lan cao hơn đến 70% so với các biến thể trước đó.

Hiện biến thể mới được tìm thấy trên khắp nước Anh, đặc biệt là tại London. Dữ liệu từ Nextstrain, chuyên theo dõi gen di truyền của các mẫu virus trên khắp thế giới, cho thấy các ca COVID-19 ở Đan Mạch, Hà Lan và Úc có nguồn gốc từ Anh.

Virus corona chủng mới gây đại dịch COVID-19 được phát hiện lần đầu tiên ở TP Vũ Hán, Trung Quốc. Tuy nhiên, các biến thể của virus gốc từ Vũ Hán đã dần trở nên phổ biến hơn ở những nơi khác trên thế giới.

Một trong những biến thể phổ biến nhất là D614G. D614G có đột biến ở protein sợi, giúp biến thể này có thể nhanh chóng di chuyển từ tế bào này sang tế bào khác trong cơ thể con người, tự sao chép với một tốc độ cực nhanh. Do đó, biến thể D614G nổi lên ở châu Âu vào tháng 2 và nhanh chóng chiếm ưu thế trên toàn thế giới.

Biến thể virus corona ở Anh nguy hiểm ra sao, ngoài ra còn những biến thể nào? - Ảnh 2.

Pháp trong giai đoạn tái phong tỏa toàn quốc để hạn chế sự lây lan của virus corona - Ảnh: EPA

Một biến thể khác, gọi là 20A.EU1, xuất hiện tại Tây Ban Nha từ tháng 6, lan rộng khắp châu Âu và chiếm phần lớn trong các ca nhiễm tại một số quốc gia trong khu vực này.

Các nhà khoa học Tây Ban Nha và Thụy Sĩ xác định biến thể mới có tên gọi là 20A.EU1, chiếm khoảng 40% số ca nhiễm ở Tây Ban Nha vào tháng 7. Đến tháng 9, biến thể này chiếm tới 90% ca mắc mới ở quốc gia này.

Cũng trong tháng 9, biến thể này đã xuất hiện và chiếm 40-70% các ca mắc mới ở Thụy Sĩ, Ireland và Vương quốc Anh. Biến thể này cũng được tìm thấy ở Na Uy, Latvia, Hà Lan và Pháp.

Ngoài ra, các nhà khoa học châu Âu cũng ghi nhận một vài biến thể khác trong khu vực như 20A.EU2, S:S98F, S:D80Y và S:N439K.

Đài BBC cho biết một biến thể tương tự VUI-202012/01, có tên gọi là biến thể 501.V2, đã xuất hiện ở Nam Phi. Biến thể 501.V2 có chung một số đột biến giống với biến thể tại vùng đông nam Anh nhưng dường như không liên quan đến biến thể này.

Bộ Y tế Nam Phi thông tin rằng không giống với biến thể ở Anh, 501.V2 có thể khiến người nhiễm virus mắc bệnh nặng hơn, theo trang bgr.com.

"Sau khi đối chiếu các bằng chứng, có thể suy đoán rằng làn sóng dịch bệnh thứ hai mà chúng ta đang đối mặt có liên quan đến biến thể mới này" - Bộ trưởng Y tế Zweli Mkhize cho biết.

Theo các nhà khoa học, các biến thể mới nhiều khả năng sẽ không ảnh hưởng đến tác dụng của các vắc xin COVID-19 đã và đang được nghiên cứu, phát triển, sản xuất và đưa vào sử dụng ở một số nước như hiện nay.

Dù vậy, các cơ quan y tế của các nước trên thế giới vẫn kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác, tuân thủ đeo khẩu trang và các biện pháp giãn cách xã hội để bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người xung quanh.

Theo Tuổi trẻ